Công bố những kết quả nghiên cứu mới về Hoàng thành Thăng Long

NDO -

Ngày 17/12, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học “Kinh đô Thăng Long - Hà Nội, từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới”, nhằm công bố kết quả nghiên cứu mới về Hoàng thành Thăng Long; thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, góp phần phục dựng các công trình kiến trúc quan trọng tại Hoàng thành Thăng Long.

Các cuộc khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long cung cấp nhiều dữ liệu lịch sử, kiến trúc… quan trọng.
Các cuộc khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long cung cấp nhiều dữ liệu lịch sử, kiến trúc… quan trọng.

Tọa đàm tập trung vào hai nội dung chính, gồm: Kinh đô Thăng Long - Hà Nội từ tư liệu đến diễn giải di tích; Diễn giải hình ảnh trong hành trình phát huy giá trị di sản. Trong đó, các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử đã công bố những nghiên cứu mới, cho ý kiến đánh giá, phân tích về một số vấn đề quan trọng như: Cấm thành Thăng Long qua một số di tích kiến trúc tiêu biểu phát hiện tại khu G; Nghiên cứu cấu trúc tẩm điện và tẩm cung thời Lý, góp phần nhận diện các dấu tích kiến trúc tại Di tích Hoàng thành Thăng Long; Nghiên cứu về Chính điện Kính Thiên và phục dựng trên nền tảng 3D; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trưng bày - triển lãm tại Hoàng thành Thăng Long… 

Tọa đàm cũng góp phần bổ sung thêm những nguồn tư liệu để tìm hiểu, xác định chức năng của khu vực Chính điện Kính Thiên trước thời Lê sơ, các dấu tích thời Lý - thời đại thành lập Thăng Long, thời Trần - thời kỳ nối tiếp và phát triển Thăng Long; cung cấp các chứng cứ khoa học cho quá trình nghiên cứu các công trình kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long, cụ thể là giai đoạn thời Lê về các loại hình vật liệu kiến trúc, cấu kiện kiến trúc... Trong đó, các nhà khoa học khẳng định: Các đợt khai quật thăm dò đã làm rõ được một phần kết cấu không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung hưng, là cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc phục dựng Chính điện Kính Thiên trong tương lai không xa. 

Những năm qua, công tác nghiên cứu diễn giải Kinh đô Thăng Long - Hà Nội được chú trọng và tiếp cận từ nhiều góc độ; trong đó, những kết quả mới về khảo cổ học đã và đang góp phần nhận diện mặt bằng cấu trúc khu vực chính điện Kinh Thiên, từ đó làm rõ hơn nữa những giá trị cốt lõi của khu di sản, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang thông tin, kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học trong 10 năm, kể từ khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản văn hóa thế giới đã có nhiều phát hiện mới, cung cấp thêm tư liệu khoa học quan trọng vào công cuộc nghiên cứu về kinh đô Thăng Long.