Theo đó, người và phương tiện gồm: Máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường trên cao); người đi bộ, xe thô sơ; súc vật... không được đi vào đường Vành đai 2 trên cao.
Người và các phương tiện cơ giới đường bộ có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan được phép tham gia giao thông trên đường Vành đai 2 trên cao.
Mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, dải an toàn ngoài là 0,67m. Đối với các nhánh lên, xuống có bề rộng 7m, bố trí 1 làn đường xe chạy là 6m, dải an toàn hai bên là 0,5m. Giao thông trên đường trên cao theo hai chiều riêng biệt được phân chia bởi dải phân cách cứng; các xe chỉ được ra, vào đường trên cao ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở; Ngã Tư Vọng; Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến chân cầu Vĩnh Tuy, phương tiện không được quay đầu xe trên đường trên cao, chỉ dẫn xe chạy trên đường trên cao thông qua hệ thống sơn phân làn và hệ thống biển báo.
Phân bố làn xe chạy trên tuyến chính trên cao gồm, mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, dải an toàn ngoài là 0,67m. Cụ thể, làn xe số 1 được bố trí sát với dải an toàn phía trong, phía giáp dải phân cách giữa. Làn xe số 2 được bố trí nằm sát với dải an toàn phía ngoài.
Đối với làn xe chạy trên các nhánh vào, ra đường trên cao, tất cả các nhánh ra và vào đường trên cao bao gồm 1 làn xe cơ giới rộng 6,0m, 2 dải an toàn hai bên rộng 0,5m. Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên cầu chính là 80km/giờ. Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên cầu nhánh là 60 km/giờ.