Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 2/2/2023 thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty Meiko thuộc Khu công nghiệp Thạch Thất (Quốc Oai, Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Trang)
Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty Meiko thuộc Khu công nghiệp Thạch Thất (Quốc Oai, Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Trang)

Chương trình hành động số 21-CTr/TU đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, Hà Nội sẽ chủ động đẩy nhanh việc phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Thành phố đặt ra 26 chỉ tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô bao gồm 8 chỉ tiêu về trình độ phát triển kinh tế; 9 chỉ tiêu về trình độ phát triển văn hóa, xã hội; 5 chỉ tiêu về trình độ phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về trình độ bảo vệ và quản lý môi trường. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60-62%, đến năm 2030 đạt hơn 75%.

Thành phố sẽ xây dựng cơ chế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách đặc thù, thí điểm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số; xây dựng Chiến lược chuyển đổi số, đưa thành phố sớm trở thành trung tâm về an toàn, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn của khu vực ASEAN...

Thành phố xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao như: Sản xuất phần mềm; sản phẩm số, an toàn thông tin; cơ điện tử, công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng, trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, điện tử y sinh, công nghiệp dược...

Hà Nội sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện, phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch; trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô gắn với việc thực hiện cam kết quốc tế và tiêu chí khi tham gia mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO.

Thành phố sẽ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô đi đầu cả nước trong phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.