Cuối năm 2015, kinh tế Thủ đô có thêm tín hiệu vui khi thành phố khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ lớn nhất cả nước. Trung tâm nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Với số vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng, diện tích 2,1 ha, đây là khu phức hợp liên thông về khoa học - công nghệ, bảo đảm các nhiệm vụ từ nghiên cứu, sản xuất và giám định, phân tích công nghệ với một hệ thống khép kín, triển khai trên nhiều lĩnh vực như công nghệ cơ khí chế tạo, công nghệ điện tử - tự động hóa, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ môi trường... Được đầu tư về cơ sở hạ tầng, quy tụ nhiều nhà khoa học trực tiếp làm việc tại trung tâm và kết nối, liên kết với nhiều nhà khoa học, các viện, trường, phòng thí nghiệm trong nước và quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ Hà Nội sẽ là cầu nối đưa khoa học công nghệ vào đời sống sản xuất, tiêu dùng; hình thành trung tâm công nghệ cao, làm hạt nhân dịch vụ cho các khu công nghiệp, công nghệ cao, hỗ trợ việc đào tạo, nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp, hỗ trợ tư vấn công nghệ và tính toán tối ưu dây chuyền thiết kế. Trung tâm đã cho ra đời các thiết bị cơ khí, các sản phẩm bo mạch điện tử, các sản phẩm chip LED, pin năng lượng mặt trời... vừa tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường vừa nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.
Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ Hà Nội là một dự án trong số hơn 70 dự án đang được triển khai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Theo quy hoạch, Khu công nghệ cao Hòa Lạc rộng gần 1.600 ha, là nơi nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghệ cao. Tại đây, nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động như Trung tâm công nghệ cao Viettel, Công ty Phần mềm FPT, Trung tâm kỹ thuật Ô-tô Hòa Lạc (Công ty Nissan Techno), Dự án sản xuất thiết bị y tế của Liên doanh Y học Việt Hàn... Tổng vốn đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc đạt gần 60 nghìn tỷ đồng với khoảng mười nghìn người đang làm việc và học tập tại đây.
Ngoài Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có các khu công nghiệp, công nghệ cao khác như Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công nghiệp Quang Minh, Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, Khu công nghệ cao sinh học, Khu công nghiệp Đông Anh... Các khu công nghiệp, công nghệ cao đang tạo ra khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thủ đô.
Ngoài các khu công nghiệp, công nghệ cao tập trung đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phần lớn các doanh nghiệp Hà Nội cũng quan tâm, đầu tư và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh của mình. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã có sức tăng trưởng vượt bậc. Đến nay, đã có 60 sản phẩm của 49 doanh nghiệp Hà Nội đã được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó chủ yếu là các sản phẩm có sự đầu tư về khoa học công nghệ cao. Công ty CP Nhựa Hà Nội đã sử dụng phần mềm thiết kế chuyên dụng, gia công chính xác để sản xuất các khuôn mẫu phục vụ ngành nhựa, cung cấp cho các công ty Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, VMEP, LG Việt Nam... và xuất khẩu cho các Tập đoàn của Nhật Bản như TOSTEM, HITACHI, SHODEN... Tập đoàn Sơn Kova đã ứng dụng công nghệ siêu mịn na-nô để sản xuất sơn xây dựng cao cấp. Công ty CP chế tạo thiết bị điện Đông Anh đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy biến áp 500kV, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông - Nam Á đầu tiên chế tạo được loại máy biến áp này…
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng thời gian qua, kinh tế tri thức ở Hà Nội phát triển chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16 xác định: đẩy mạnh kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững là nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình phát triển kinh tế của thành phố giai đoạn 2016-2020. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, thành phố tập trung các nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch lớn. Thành phố sẽ dành khoảng 8.000 ha để phát triển các khu công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, các khu công nghệ cao, khu công nghiệp tập trung. Ở khu vực phía nam Hà Nội, trên địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên sẽ quy hoạch cho các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản theo công nghệ hiện đại, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ở khu vực phía bắc thành phố, trên địa bàn các quận: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn sẽ tập trung phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô-tô, hóa dược - mỹ phẩm, công nghiệp vật liệu mới. Khu vực phía tây thành phố sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp, công nghệ điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp vật liệu mới, công nghệ na-nô, công nghệ năng lượng mới, vật liệu xây dựng...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, hỗ trợ về thủ tục, vốn vay ưu đãi cũng như thường xuyên lắng nghe, đối thoại để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đang hoạt động cũng như sẽ đầu tư vào địa bàn. Đồng thời, quan tâm đầu tư các trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và đời sống. Giai đoạn 2015-2020, Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước; phát triển kinh tế gắn với khoa học công nghệ, tạo nên các sản phẩm có chất lượng, hàm lượng chất xám cao, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô.