Tại hội nghị, các ý kiến đóng góp tập trung vào các nhóm vấn đề: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất…
Đại diện các quận, huyện kiến nghị nhà nước cần quan tâm đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, tránh thiệt thòi cho người dân, bảo đảm người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tương xứng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, từ đó bảo đảm an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay, các cơ quan sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã tổ chức bài bản, nghiêm túc việc lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người dân… đóng góp Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 62 văn bản, báo cáo của các đơn vị đóng góp về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…
Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, phần lớn người dân được lấy ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết. Dự thảo Luật lần này đã chú trọng giải quyết một số vấn đề tồn tại như: Quy hoạch, sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư; bộ máy quản lý đất đai; phân loại đất đai, xác định giá đất…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, những điều khoản áp dụng của Luật cần được quy định cụ thể, chi tiết hơn, nhất là các vấn đề về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… nhằm tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.
Thời gian tới, các quận, huyện, sở, ngành tiếp tục nghiên cứu đóng góp bằng văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, tổng hợp để báo cáo thành phố.