Thành phố có hơn 500 cây xanh bị gãy đổ, làm hư hỏng nhiều phương tiện giao thông, trong đó có cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm bị đổ, đè vào công trình. Đáng chú ý, cây xanh gãy đổ đã làm hai người chết và bảy người bị thương. Ngoài ra, cây xanh gãy đổ làm năm người khác bị thương, gồm ba người tại quận Hoàn Kiếm và hai người tại quận Hai Bà Trưng.
Các đơn vị duy trì cây xanh nhanh chóng có mặt tại các vị trí cây gãy, đổ để giải tỏa, thu dọn hiện trường.
Siêu bão cũng gây ra nhiều sự cố hệ thống chiếu sáng công cộng, nhưng được khắc phục nhanh chóng.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, đối với công tác bảo đảm an toàn công trình nhà ở, công trình xây dựng, đơn vị đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các khu chung cư cũ và nhà riêng lẻ có nguy cơ sập đổ.
Thành phố đã kiểm tra, rà soát hơn 720 công trình xây dựng và gần 7.200 nhà ở riêng lẻ. Các quận Ba Đình, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa... khẩn trương vận động, hỗ trợ di dời người dân ra khỏi nhà nguy hiểm, không bảo đảm an toàn; đồng thời bố trí chỗ ở và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ người dân.
Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ đạo ứng phó khẩn cấp “siêu bão” số 3
Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du bắc bộ cho biết, từ chiều tối đến đêm 7/9 các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.
Thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Cùng với gió mạnh, trên địa bàn thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to đến rất to. Thời gian mưa to đến rất to tập trung từ chiều tối 7 đến sáng 8/9. Lượng mưa trung bình từ 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm. Người dân cần ở trong nhà, hạn chế ra đường.