Do ảnh hưởng của bão nên từ chiều 7/9, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.
Từ chiều tối mai, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có nguy cơ thiệt hại về cây xanh, tiềm ẩn tổn thất về người do gãy đổ cây xanh, vật dụng từ trên cao, như bồn chứa nước, cửa sổ, biển quảng cáo, tôn mái nhà... rơi xuống đường.
Ngoài gió mạnh, từ ngày 7 đến 9/9, thành phố Hà Nội có mưa to đến rất to. Lượng mưa tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh đạt 200-300mm, có nơi cao hơn 400mm.
Thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên lượng mưa có thể đạt 150-250mm, có nơi cao hơn 350mm.
Với lượng mưa này, nhiều tuyến phố, khu dân cư của thành phố Hà Nội có khả năng bị úng ngập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, sinh hoạt của người dân...
Thành ủy Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, ứng phó siêu bão
Để chủ động phòng ngừa, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, người dân cần kiểm tra, gia cố, chằng chống nhà cửa, nhất là các cửa sổ tại các nhà cao tầng, bồn chứa nước trên cao, tấm lợp mái nhà; cắt tỉa cành cây xung quanh nhà ở; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; tháo gỡ vật cản trên các nắp cống thoát nước. Người dân ngoại thành khẩn trương gia cố chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản...