Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, ngày 24/10/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 20 “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ Thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”, trong đó đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, mỗi năm kết nạp 200 đảng viên là học sinh THPT vào Đảng; giai đoạn 2025-2030, mỗi năm kết nạp 300 học sinh THPT vào Đảng.
Công tác phát triển đảng trong học sinh là một trong những nội dung trọng tâm luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm thực hiện thông qua công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với các nhà trường và cơ sở giáo dục. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh đề ra nhiệm vụ: “Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng và bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong cán bộ, giáo viên và học sinh chú trọng phát hiện và bồi dưỡng cán bộ giáo viên, học sinh tiêu biểu, xuất sắc thông qua các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động dạy và học, rèn luyện, Đoàn - Hội để tạo nguồn kết nạp đảng; triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong trường học”.
Đảng viên mới tuyên thệ tại Lễ kết nạp đảng viên. |
Để tăng cường chất lượng và số lượng đảng viên trong các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chú trọng phát triển đảng viên trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Nhiều cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trong nhà trường đã nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng, phương châm, phương hướng, tiêu chuẩn, nguyên tắc công tác kết nạp đảng viên và tạo nguồn kết nạp đảng viên.
Để tạo môi trường rèn luyện, phấn đấu kết nạp đảng cho giáo viên, học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành đoàn Hà Nội và các quận, huyện, thị ủy triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống và giáo dục ngoại khóa, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, các nhà trường chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: tổ chức các chuyên đề nói chuyện, các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh giáo dục truyền thống thông qua tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, ngày truyền thống của nhà trường; tổ chức các chuyến tham quan về nguồn, tham quan các di tích lịch sử văn hóa. Sau mỗi đợt học, học sinh viết thu hoạch và xây dựng chương trình phấn đấu của lớp, của Đoàn Thanh niên và kế hoạch tu dưỡng rèn luyện của cá nhân. Nổi bật là các phong trào thi đua được phát động và hưởng ứng thực hiện hiệu quả như “Dạy tốt, học tốt”; “Đổi mới - sáng tạo trong dạy và học”; “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”…
Chi bộ trường THPT Sóc Sơn tổ chức Lễ kết nạp đảng viên. |
Công tác tạo nguồn và phát triển đảng đã thật sự được các cấp uỷ đảng chú ý từ việc xây dựng kế hoạch, mở các lớp bồi dưỡng, đưa quần chúng vào phong trào hành động để bồi dưỡng những hạt nhân tiên tiến, lấy phong trào thi đua để thực hiện nhiệm vụ chính trị và qua đó đẩy mạnh công tác phát triển đảng.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng với Thành Đoàn Hà Nội đã ban hành Chương trình phối hợp công tác số 09 giai đoạn 2021-2025, giúp việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác tổ chức phong trào thi đua phù hợp lứa tuổi học sinh, đoàn viên, góp phần quan trọng tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh giúp cho đoàn viên, học sinh có điều kiện tu dưỡng, rèn luyện và thông qua đó nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh đã phấn đấu trở thành đảng viên.
Theo thống kê từ năm 2010 đến năm 2020 toàn ngành giáo dục Thủ đô kết nạp được 21 học sinh vào Đảng, trong năm học 2022-2023, đã có 683 học sinh THPT tại Hà Nội được bồi dưỡng nhận thức về Đảng, 82 học sinh ưu tú vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, gần 450 quần chúng ưu tú là học sinh được kết nạp Đảng. Từ khi thực hiện Đề án số 20 -ĐA/TU, số đảng viên là học sinh được kết nạp tăng gấp nhiều lần so với cả giai đoạn 2010-2020 do đó, đã góp phần tăng thêm sức chiến đấu, bảo đảm tính kế thừa phát triển của Đảng trong nhà trường, thúc đẩy việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên trong lực lượng trí thức, giáo viên, học sinh của ngành giáo dục đào tạo thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế, số lượng đảng viên mới kết nạp chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô, với số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Hai học sinh ưu tú trường THPT Xuân Giang vinh dự được kết nạp Đảng. |
Phát triển đảng viên trong các trường học là yêu cầu đặc biệt quan trọng và rất cần thiết, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức có chất lượng cao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Thủ đô. Yêu cầu đặt ra trong công tác này là không chỉ bảo đảm về số lượng mà chất lượng mới là yếu tố quyết định quan trọng, sức mạnh của Đảng phụ thuộc vào chất lượng đảng viên. Do đó, để thực hiện hiệu quả Đề án số 20-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Thành Đoàn và các quận, huyện, thị ủy triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác phát triển đảng viên là giáo viên, học sinh; tuyên truyền nâng cao nhận thức và xác định các giải pháp nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác kết nạp đảng viên; chỉ đạo các nhà trường đánh giá thực trạng và công tác kết nạp đảng viên là giáo viên, học sinh THPT, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập công tác phát triển đảng viên trong các nhà trường.
Hà Nội kết nạp mới 82 đảng viên là học sinh trung học phổ thông
Trên cơ sở thực trạng công tác kết nạp đảng viên, có những giải pháp cụ thể để góp phần thực hiện được mục tiêu “đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030, tỷ lệ đảng viên mới hằng năm đạt từ 3-4% tổng số đảng viên” như Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra, đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể cũng như các điều kiện bảo đảm, chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên trong các nhà trường, nhất là đội ngũ giáo viên, học sinh, trong giai đoạn hiện nay.