Năm 2023, tỉnh Hà Nam chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1; số 2 và 1 áp thấp nhiệt đới gây ra mưa vừa, mưa to đến rất to; có 2 đợt rét đậm và có 6 đợt nắng nóng gay gắt.
Các cấp, các ngành trong tỉnh đã ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, hệ thống công trình phòng chống lụt bão, úng hạn ngày càng được củng cố, thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn tư tưởng chủ quan trong một bộ phận cán bộ, nhân dân do mấy năm gần đây không có lũ, bão lớn; việc phát hiện, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, sử dụng lòng, bờ bãi sông không tuân thủ quy hoạch được phê duyệt, chưa được các địa phương xử lý quyết liệt ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn khó khăn do thiếu các trang thiết bị hiện đại; công tác vận động thu Quỹ phòng, chống thiên tai chưa đạt kế hoạch đề ra.
Công tác phòng, chống thiên tai, tỉnh Hà Nam năm 2024 đặt mục tiêu chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính, kiên quyết giữ vững an toàn đê điều khi lũ chưa vượt quá lũ lịch sử, không để xảy ra mất mùa do hạn hán hoặc ngập úng khi mưa, lũ, bão chưa vượt quá khả năng của công trình, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, Nguyễn Đức Vượng yêu cầu các cấp, ngành, địa tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; coi trọng việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình, lưu ý các cống dưới đê, đặc biệt là các tuyến đê sông con, đê bối sông Hồng, sông Đáy; chủ động xây dựng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố công trình theo phương châm “4 tại chỗ”, “xử lý giờ đầu", chuẩn bị đầy đủ vật tư tại các trọng điểm phòng, chống lụt, bão đã xác định; thực hiện nghiêm chế độ thường trực, trực ban trong mùa lũ bão; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy lợi, đê điều, đặc biệt là các dự án phục vụ cho tiêu thoát nước, chống úng ngập, tăng cường công tác giám sát nâng cao chất lượng công trình.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi và các địa phương chủ động xây dựng phương án tưới tiêu nước cho từng vùng cụ thể, đồng thời tuân thủ nghiêm quy trình vận hành, không để úng ngập trong mùa mưa bão.
Các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, đặc biệt tình trạng hút cát trái phép trên sông, xe quá tải trọng; tập kết vật liệu quy mô lớn trên bãi sông, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, lấn chiếm lòng sông, gây cản trở thoát lũ, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, đôn đốc lập kế hoạch và thực hiện thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai theo đúng quy định; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các đối tượng không chấp hành nộp quỹ theo quy định; khi có thiên tai xảy ra phải kịp thời triển khai các phương án phòng chống, huy động tối đa nhân lực, phương tiện nhanh chóng khắc phục hậu quả.