Cùng dự có Đại tướng Lương Cường, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Sau khi nghe báo cáo tình hình mưa, lũ tại miền trung, công tác khẩn trương giúp đỡ nhân dân trong vùng mưa lũ, nhất là công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4), Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu, với trách nhiệm cao nhất của Quân đội, không được để người dân đói rét, bị bệnh tật trong bão lũ; phải khẩn trương đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Công tác bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân được đặt lên hàng đầu. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng bám sát tình hình, nâng cao tính dự báo, theo dõi sát diễn biến thời tiết, mưa lũ; chủ động các phương án về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nhanh chóng rà soát toàn bộ hệ thống doanh trại, nhất là nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, địa hình phức tạp…; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; tuyệt đối bảo đảm an toàn cho nhân dân, bộ đội.
Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thực hiện tốt công tác chính sách với các đồng chí hy sinh, mất tích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Sáng 18-10, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào Quảng Trị trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.
★ Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 về công tác tìm kiếm cứu nạn khu vực sông Rào Trăng và khắc phục thiệt hại do mưa bão. Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết phải tập trung để tìm kiếm, cứu nạn những người còn mất tích càng sớm càng tốt, thực hiện với phương châm “bốn tại chỗ”. Đây là nhiệm vụ hàng đầu của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Phải chủ động ứng phó sự cố, thiên tai, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ; huy động nhân lực, phương tiện để tìm kiếm các nạn nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3 trong thời gian sớm nhất; tiếp tục rà soát các khu vực nguy hiểm để chủ động sơ tán người dân, công nhân tại các công trình đang thi công.
★ Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, tính đến tối 18-10, mưa, lũ tại khu vực miền trung đã làm 84 người chết và 38 người mất tích. Toàn vùng có 52.933 nhà bị ngập (Quảng Trị: 41.878 nhà; Quảng Bình: 11.055 nhà); 24.734 nhà hư hỏng, sập đổ. Về nông nghiệp, mưa, lũ làm 924 ha lúa, 106.616 ha hoa màu ngập úng, hư hại; 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và đến Thừa Thiên Huế đã sơ tán 35.787 người dân đến nơi ở an toàn tránh lũ.
★ Thái Bình còn khoảng 25.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch. Đến nay, bão số 7 làm 3.700 ha lúa và 6.400 ha cây vụ đông bị ngập, hư hỏng. Ngành nông nghiệp tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân để nhanh chóng gieo trồng lại.
★ Sáng 18-10, Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Nghệ An cho biết, từ 11 giờ ngày 18-10, Nhà máy Thủy điện Bản Ang thuộc xã Xá Lượng, huyện Tương Dương xả lũ với lưu lượng 200 đến 500 m3/s. Ban Chỉ huy các cấp chính quyền đơn vị, chủ đầu tư đang thi công ở ven sông, trên sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và người dân ở hạ du có phương án đối phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Từ rạng sáng đến chiều 18-10, các hồ chứa lớn ở Hà Tĩnh như Ngàn Trươi, Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, thủy điện Hương Sơn đồng loạt xả lũ. Hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên (huyện Cẩm Xuyên) xả tràn vào trưa 18-10. Sáng 18-10, hồ chứa nước Ngàn Trươi - Cẩm Trang, huyện Vũ Quang với dung tích 250 triệu m3 cũng bắt đầu xả lũ…
★ Tối 17-10, một vụ lật thuyền đã xảy ra tại bến Đền trên sông Giăng thuộc địa bàn xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Khi gặp nạn, thuyền có ba người, hai người đã được cứu sống; người còn lại bị mất tích. Chính quyền địa phương cùng người dân đang nỗ lực tìm kiếm, nhưng vẫn chưa có kết quả.
★ Chiều 18-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa vừa đến mưa to. Tại TP Hội An, nước sông Hoài dâng cao làm ngập trở lại một số đoạn đường và một góc chợ Hội An từ 30 - 50 cm.
★ Tính đến trưa 18-10, tổng lượng mưa đo được tại huyện Hương Khê là 345,1 mm, mực nước sông Ngàn Sâu vượt BĐ 2 là 0,82 m. Hiện nước lũ đang lên nhanh, làm năm xã Hương Thủy, Điền Mỹ, Lộc Yên, Hương Đô, Hương Giang bị lũ chia cắt, trong đó 137 hộ dân bị ngập nặng.
★ Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Cà Mau, mưa lớn và triều cường làm ngập úng, đổ ngã hơn 17.870 ha lúa, hơn 133 ha rau màu. Ban Chỉ huy quân sự huyện Trần Văn Thời đã huy động hơn 1.000 người xuống giúp dân thu hoạch lúa.
★ Tại Kiên Giang, mưa to làm hầu hết các huyện vùng U Minh Thượng như: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận đều bị thiệt hại. Tại huyện U Minh Thượng, có hơn 1.900 căn nhà và hơn 3.000 ha lúa bị ngập nước.
★ Ngành giáo dục Hà Tĩnh cho biết, vừa có quyết định cho hơn 200 nghìn học sinh của TP Hà Tĩnh, các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh nghỉ học từ ngày 19-10 để bảo đảm an toàn khi mưa lũ.
Hỗ trợ khẩn cấp đồng bào miền trung
Tối 18-10, Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 4.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo để hỗ trợ, cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh nêu trên tiếp nhận, sử dụng số gạo được cấp bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định.
★ Tính đến chiều 18-10, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã huy động được gần sáu tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền trung, trong đó riêng sáng 18-10, T.Ư Hội đã huy động được gần 432 triệu đồng, bằng tiền và hàng hóa giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
★ Sáng 18-10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ 400 triệu đồng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai.
★ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa công bố một khoản viện trợ ứng phó mưa, lũ ban đầu trị giá 100.000 USD. Khoản viện trợ này sẽ được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ trao cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để giúp người dân miền trung khắc phục hậu quả thiên tai.
★ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các mạng thông tin di động nhắn tin khẩn cấp cảnh báo đến người dân vùng thiên tai về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng, tránh. Chỉ trong đêm 17-10 và rạng sáng 18-10, đã có hơn sáu triệu thuê bao nhận được tin nhắn về mưa, lũ để chủ động phòng, tránh.
★ Từ ngày 19-10, Hãng hàng không Bamboo Airways sẽ tiếp nhận và vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ đồng bào miền trung của các cơ quan, tổ chức xã hội, cá nhân,… trên các chuyến bay của hãng từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Vinh, Đồng Hới, Chu Lai, Đà Nẵng. Hàng hóa là nhu yếu phẩm, vật dụng được đóng theo kiện, mỗi kiện không quá 40 kg.
★ Chiều 17-10, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi và trao 500 triệu đồng hỗ trợ thân nhân gia đình 13 liệt sĩ hy sinh tại Trạm kiểm lâm 67.
★ Chiều 18-10, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào miền trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ngay tại lễ phát động đã thu được gần 233 triệu đồng.
★ Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung. Tại buổi lễ phát động, các đại biểu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tôn giáo đã quyên góp gần 940 triệu đồng.