Hà Nam phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị nền văn minh sông Hồng

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Nam đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20 về đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ, trọng tâm là du lịch và dịch vụ logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hà Nam đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của nền văn minh sông Hồng.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam thực hiện nghi thức cày tịch điền tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023.
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam thực hiện nghi thức cày tịch điền tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2023.

Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh sông Hồng, thời gian qua, tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt; trọng tâm là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ẩm thực; tập trung thu hút đầu tư để sớm hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng-du lịch sinh thái mang tầm quốc gia và quốc tế. Hoàn thành quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Tam Chúc và tập trung nguồn lực hoàn thành hạ tầng khung để thu hút đầu tư phát triển đạt tiêu chí Khu du lịch quốc gia; hoàn thành quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn.

Hà Nam đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái-tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và dịch vụ phục vụ du lịch; phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch Tam Chúc đón hơn 5 triệu lượt khách, nâng tổng số khách du lịch đến Hà Nam đạt khoảng 8 triệu lượt khách/năm, doanh thu du lịch đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh Hà Nam tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại-dịch vụ và cơ sở vật chất kỹ thuật về phát triển du lịch, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.

Đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam cho biết: Ngành Văn hóa đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng hình ảnh Hà Nam là "điểm đến hấp dẫn" đối với du khách. Các địa phương trong tỉnh tích cực hình thành và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ yếu; hình thành một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Hà Nam tại Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, chùa Long Đọi Sơn, đền Trần Thương, từ đường Nguyễn Khuyến, quê hương Nam Cao…

Đồng thời, xây dựng lộ trình liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận và các trung tâm du lịch lớn trong nước để xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; hỗ trợ đầu tư các điểm tham quan du lịch làng nghề và các phòng trưng bày gắn với khu, điểm du lịch, làng nghề; khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương.

Đến nay, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành quy hoạch 5 khu, điểm du lịch trọng điểm. Nhiều nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng với 25 khách sạn (trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 4 khách sạn 3 sao và 19 khách sạn 1 sao, 2 sao), 129 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn, bảo đảm điều kiện tối thiểu kinh doanh lưu trú du lịch và hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.

Lượt du khách đến với tỉnh trong những năm qua không ngừng tăng lên, tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 20 đến 25%. Từ đầu năm đến nay, Khu du lịch Tam Chúc đón khoảng 3 triệu lượt khách, góp phần tạo bước đột phá cho du lịch Hà Nam khi thu hút đến hơn 6 triệu lượt khách/năm.

Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết: Để phát triển du lịch Hà Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với những sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh sông Hồng, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, thực hiện chủ trương, định hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát huy tiềm năng du lịch, dịch vụ.

Tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh xúc tiến du lịch để tạo điểm nhấn, tập trung quảng bá Khu du lịch Tam Chúc gắn với thu hút đầu tư các phân khu chức năng, hướng đến mục tiêu xây dựng di sản đa dạng sinh học và văn hóa thế giới.

Hà Nam xây dựng lộ trình liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận và các trung tâm du lịch lớn trong nước về phát triển du lịch theo tua tuyến; xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, tâm linh gắn với các công trình di tích đền Trần Thương, đền Lảnh Giang, chùa Đọi Sơn, chùa Bà Đanh…, du lịch thông minh, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề truyền thống, bảo đảm an ninh trật tự, mỹ quan.

Tỉnh đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2025. Hà Nam chủ trương hình thành một số tuyến phố chuyên kinh doanh và trung tâm mua sắm, tuyến phố văn minh, thương mại phục vụ du lịch, tạo thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm.