Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam tham quan các sản phẩm OCOP được trưng bày tại hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam tham quan các sản phẩm OCOP được trưng bày tại hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP.

Hà Nam nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Nam đã phát triển mạnh hơn cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, tỉnh có 65 sản phẩm của 30 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 49 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao.

Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng không ngừng được nâng cao, các sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Nam có tiềm năng rất lớn trong liên kết phát triển với các tỉnh trong và ngoài khu vực.

Tăng cường liên kết, mở rộng thị trường

Năm 2022, huyện Thanh Liêm có 10 ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, gồm các nhóm sản phẩm: dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm và 1 sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng lại, nâng hạng sao, thuộc nhóm sản phẩm đồ uống.

Hà Nam nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP ảnh 1

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại hội chợ thương mại.

Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm cho biết, từ khi được công nhận và xếp hạng OCOP, các sản phẩm đã tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua đó, giúp thay đổi tập quán sản xuất, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

Từ khi được công nhận và xếp hạng OCOP, các sản phẩm đã tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm Trần Quyết Thắng

Chương trình OCOP đã giúp cho các chủ thể tự nhìn nhận, đánh giá lại chất lượng các sản phẩm của mình, từ đó tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm và quan tâm hơn việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tăng cường liên kết nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ để phát triển bền vững.

Tỉnh Hà Nam đã quan tâm đưa các sản phẩm OCOP giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Các sản phẩm được hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi, siêu thị, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững.

Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Nhiều sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên sau khi được công nhận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Đó là các sản phẩm: Ruốc cá trắm cỏ, Chả cá rô phi của Hợp tác xã thủy sản sông trong ao Hải Đăng; Sữa tươi thanh trùng, Sữa chua nếp cẩm của Công ty cổ phần Sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, Bánh đa nem làng Chều; bún, miến, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam...

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, sau khi sản phẩm được công nhận luôn đạt tiêu chuẩn OCOP, các chủ sản xuất tại Hà Nam đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và công khai tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, thời gian sản xuất, thời hạn sử dụng, mẫu mã bao bì được cải tiến, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Anh Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân chia sẻ, các sản phẩm OCOP của hợp tác xã sau khi được công nhận đã tự tin tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại một số thị trường có tiềm năng; được người tiêu dùng tin tưởng, đáp ứng yêu cầu thị trường, mang lại doanh thu ổn định cho hợp tác xã. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm chất lượng điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP của hợp tác xã chúng tôi sau khi được công nhận đã tự tin tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại một số thị trường có tiềm năng; được người tiêu dùng tin tưởng, đáp ứng yêu cầu thị trường, mang lại doanh thu ổn định cho hợp tác xã.

Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An

Hà Nam nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP ảnh 2

Sản phẩm sữa chua Mục Đồng xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên được công nhận là sản phẩm OCOP.

Hiện nay, Hà Nam đã có 35 trong số 65 sản phẩm OCOP được giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử http://postmart.vn (có giao diện tại 63 tỉnh, thành phố), 100% chủ thể đều có thể sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.

Các sản phẩm được hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi, siêu thị, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững.

Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP phần lớn đã được gắn tem OCOP lên sản phẩm để tạo được sự tin tưởng của khách hàng và có thể dễ dàng đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị.

Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đánh giá: Các chủ thể lựa chọn các sản phẩm của tỉnh ngày một hoàn thiện hơn, đồng thời lựa chọn những ý tưởng sáng tạo để nâng cấp sản phẩm đạt chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và nhân ra diện rộng.

Hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở có sản phẩm được chứng nhận OCOP tỉnh Hà Nam đang phát triển cả về sản lượng và doanh thu (sản lượng tăng từ 15% đến 20%, doanh thu tăng 10%). Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng, giá bán tăng lên khoảng 10% so với trước khi được công nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ thể, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trong tỉnh Hà Nam chưa có nhận thức việc phát triển các sản phẩm OCOP theo chiều sâu, mới chỉ dừng lại ở việc bảo đảm đáp ứng các tiêu chí của Hội đồng thẩm định đưa ra.

Đồng thời cũng chưa quan tâm nhiều việc quảng bá, tuyên truyền và mở rộng tiếp cận thị trường khi sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP, để sản phẩm phát triển bền vững được. Điều đó, cũng hạn chế đưa sản phẩm đến rộng rãi người tiêu dùng.

back to top