Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP ở tỉnh Thái Bình

NDO - Mặc dù số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Bình được thẩm định, đánh giá phân hạng đến nay còn khá khiêm tốn, nhưng chính quyền địa phương đang tập trung hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Một số sản phẩm gạo địa phương của tỉnh Thái Bình đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đang đề nghị xếp hạng 4 sao.
Một số sản phẩm gạo địa phương của tỉnh Thái Bình đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đang đề nghị xếp hạng 4 sao.

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Thái Bình đã có 64 sản phẩm, trong đó, có 32 sản phẩm đạt 4 sao và 32 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Năm 2022, toàn tỉnh có 7 huyện với 48 sản phẩm của 24 chủ thể đăng ký dự thi cấp tỉnh. Hội đồng thẩm định cấp huyện đã họp, đánh giá phân hạng và đang trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP ở tỉnh Thái Bình ảnh 1

Nhờ có 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, nên việc sản xuất, kinh doanh của Công ty Thái Hưng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) tăng trưởng khá.

Mặc dù số sản phẩm OCOP được phân hạng còn ít ỏi so tiềm năng của tỉnh, song đây cũng là các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu có nguồn gốc, xuất xứ từ địa phương, là đặc sản hoặc công nghệ riêng có của tỉnh tham gia với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được hơn 35 nhãn hiệu gạo được người tiêu dùng ưa thích như: Gạo làng Giắng, Gạo Nếp Keo, Gạo chợ Gốc, gạo A Sào, gạo Niêu Vàng... Một số sản phẩm gạo đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và đang đề nghị xếp hạng 4 sao.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP ở tỉnh Thái Bình ảnh 2

Rất nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày, giới thiệu tại các khách sạn, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Chương trình OCOP đã tạo nên những tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Theo đó, chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín từ các khâu: nuôi trồng-chăm sóc-thu hoạch-bảo quản-chế biến-đóng gói-quảng bá-xúc tiến thương mại-tiêu thụ sản phẩm.

Điều quan trọng nhất là giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP. Cùng với đó, công nghệ số đã đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn, nên doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm OCOP tăng từ 20-30%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm khoảng 30%.