Bắc Giang tìm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang sau hơn 4 năm thực hiện đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại Bắc Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan gian hàng các sản phẩm OCOP tại sự kiện.
Các đại biểu tham quan gian hàng các sản phẩm OCOP tại sự kiện.

Ngày 10/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP năm 2022”.

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao; 84,4% sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm.

Bắc Giang đã hỗ trợ hơn 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung cầu; hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn sàn thương mại điện tử).

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành, quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở tỉnh Bắc Giang gặp một số khó khăn do nguồn lực triển khai Chương trình chủ yếu là lồng ghép.

Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình hằng năm nhiều nhưng thực tế sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng thấp.

Sản phẩm OCOP chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.

Cùng đó, quy mô sản xuất nhỏ, phục vụ thị trường hẹp, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế…

Đề xuất tháo gỡ khó khăn trong phát triển các sản phẩm OCOP, Giám đốc công ty Joy VN Lê Hồng Vân kiến nghị, các cơ quan quản lý cần tăng cường kết nối giữa các chủ thể OCOP với các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Hỗ trợ các chủ thể OCOP đầu tư máy móc, thiết bị chế biến sâu, ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cấp các chứng nhận về quy trình sản xuất để chủ thể tự tin đưa các sản phẩm đi xa hơn và xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc phát triển sản phẩm OCOP cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh hỗ trợ, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ; ứng dụng chuyển đổi số và bán hàng qua các sàn thương mại điện tử.

Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho rằng, việc phát triển sản phẩm OCOP cần khai thác các sản phẩm lợi thế, tiềm năng vùng miền, sản phẩm mang nhiều giá trị văn hóa, giá trị cộng đồng.

Bên cạnh đó, mỗi chủ thể OCOP cần tự có trách nhiệm với sản phẩm của mình từ mẫu mã, bao bì, chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm bởi mỗi sản phẩm OCOP được công nhận đã góp phần gia tăng giá trị không chỉ về kinh tế mà cả về giá trị văn hóa cho địa phương.

Khẳng định Bắc Giang có nhiều tiềm năng để phát triểm sản phẩm OCOP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh, thời gian tới, Bắc Giang phải tiếp tục quan tâm mở rộng về số lượng và cơ cấu các sản phẩm OCOP, trong đó các địa phương phải có danh sách các sản phẩm tiềm năng để có kế hoạch đào tạo, tập huấn, xây dựng chương trình hỗ trợ giúp đỡ chủ thể xây dựng sản phẩm đạt OCOP.

Bên cạnh đó, Bắc Giang phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đi đôi với việc tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tổ chức các hội chợ, đặc biệt chú trọng đến việc tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển sản phẩm, nâng hạng sao sản phẩm OCOP và phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.