Gỡ khó trong thu hút đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội

Xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn và nhân văn, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp, cũng như góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án nhà ở khu công nghiệp Đông Mai tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đang được thi công.
Dự án nhà ở khu công nghiệp Đông Mai tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đang được thi công.

Vì thế, Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chính sách này với mục tiêu xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 nhằm bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện vẫn còn nảy sinh những bất cập, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để chính sách ưu việt, nhân văn này sớm đi vào cuộc sống.

Bài 1: Bức tranh chung về nhà ở

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trước đó. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa tám nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật. Đây là chủ đề thu hút sự quan tâm của cử tri, công luận và được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội vừa qua.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2025 các địa phương trong cả nước mới hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị với quy mô xây dựng 19.516 căn nhà. Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn nhà. Các dự án tập trung vào hai chương trình lớn là phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu đô thị.

Cung-cầu nhà ở

Từ hơn 10 năm nay, tại các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp tập trung và có đông công nhân, lao động đã, đang triển khai và thu được khá nhiều thành công trong việc phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.

Ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Đề án chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ về phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Đặc biệt các khu công nghiệp tập trung đều dành quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.

Trong đó, đơn cử như dự án nhà ở xã hội tại Kim Sơn, Đông Triều với tổng số 589 căn hộ; dự án khu nhà ở xã hội Sunhome cảng hàng không tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn với tổng số có 300 căn hộ, đến nay cũng đã hoàn thành 100 căn hộ... Theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành khoảng 8.200 căn nhà ở xã hội và đến năm 2030 sẽ là 18.000 căn. Tuy nhiên, tỉnh này đang nỗ lực đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng khoảng 25 nghìn căn nhà ở xã hội, tăng tới 40% so với chỉ tiêu được giao.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021-2025 các địa phương trong cả nước mới hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị với quy mô xây dựng 19.516 căn nhà. Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 294 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn nhà. Các dự án tập trung vào hai chương trình lớn là phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và phát triển nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu đô thị.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy cho biết: Để thực hiện thành công mục tiêu nêu trên, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đề xuất chủ trương đầu tư, hoàn thiện hồ sơ thủ tục; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Qua đó hiện thực hóa mục tiêu tạo ra hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những tiện ích công cộng ngày càng chất lượng ở đô thị, làm cho đô thị có sức cạnh tranh về kinh tế, chất lượng cuộc sống cho người dân.

Sau hơn hai năm thực hiện, tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai thực hiện 12 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân (khi các dự án hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 95 nghìn chỗ ở cho công nhân). Điển hình như dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên) được quy hoạch với tổng diện tích 12,6ha, quy mô 16 tòa nhà chung cư cao 20 tầng và tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Dự kiến cung cấp khoảng 7.000 căn hộ chung cư phục vụ cho hơn 20 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Đây là dự án được đánh giá có quy mô lớn nhất cả nước đang được đầu tư xây dựng và chuẩn bị đi vào bàn giao các căn hộ đầu tiên vào cuối tháng 9/2023. Dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân (giai đoạn 2) tại thị trấn Nếnh, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh tỉnh Bắc Giang khẩn trương triển khai công trình này, quy hoạch các khu công nghiệp, khu hành chính, khu vực xây dựng nhà ở xã hội; tỉnh có Nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội; chủ động sáng tạo từ khâu lập dự án, kêu gọi nhà đầu tư để phát triển các khu đô thị nói chung, trong đó có các khu nhà ở xã hội nói riêng.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam có khoảng gần 80 nghìn người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; trong đó số lao động trong tỉnh khoảng gần 50 nghìn người (chiếm 62%), số lao động ngoài tỉnh và lao động nước ngoài khoảng 30 nghìn người (chiếm 38%).

Thực tế, không chỉ công nhân ngoại tỉnh mà công nhân có hộ khẩu tỉnh Hà Nam (nhà cách xa các khu công nghiệp từ 30 đến 40km) cũng có nhu cầu thuê hoặc mua nhà ở với giá rẻ gần khu công nghiệp để thuận tiện cho công việc và gửi con cái học tập. Nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người lao động, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam được triển khai khá đồng bộ.

Nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện nhà ở được triển khai khá hiệu quả ở các địa phương trong tỉnh. Kết quả triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị hiện có hai dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai với tổng diện tích sử dụng đất nhà ở xã hội là 37.323m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 62.497m2, tổng cộng khoảng 936 căn hộ...

Hải Phòng là địa phương có nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp rất lớn. Trong giai đoạn 2021-2025 có khoảng 40 nghìn công nhân có nhu cầu về nhà ở và giai đoạn 2026-2030 cũng sẽ có khoảng 40 nghìn công nhân nữa có nhu cầu về nhà ở. Và các dự án nhà ở xã hội mà thành phố Hải Phòng đang và sẽ triển khai trong thời gian tới sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu này.

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Lê Trung Kiên cho biết, toàn thành phố hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng hơn 180 nghìn lao động. Trong đó, có khoảng hơn 50 nghìn lao động ngoại tỉnh và nhu cầu nhà ở cho số công nhân này là hết sức cấp bách, nhà ở luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của công nhân ở các địa phương khác “cân nhắc” trước khi quyết định đến Hải Phòng làm việc...

Thời gian vừa qua, Thành phố Hải Phòng đã và đang tích cực triển khai các dự án về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân với mục tiêu xây dựng gần 47 nghìn căn hộ nhà ở xã hội với tiêu chuẩn đồng bộ, tiện nghi, vượt xa so với chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho thành phố đến năm 2025 và 2030.

Vẫn còn “con sâu làm rầu nồi canh”

Tuy vậy, bên cạnh những hiệu ứng tích cực mang lại, lâu nay dư luận vẫn xì xào câu chuyện bên lề: nhiều dự án nhà ở xã hội đã bị trục lợi, nhiều dự án vừa được bàn giao chưa lâu, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, đã rao bán công khai trên mạng... Điều này đã gây nên những bức xúc trong nhân dân. Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 6, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, thời gian qua một số dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang... có hiện tượng trung gian, cò mồi lợi dụng khan hiếm để rao bán nhà nhằm trục lợi. Hành vi này vi phạm pháp luật về nhà ở xã hội.

Đơn cử như dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng (phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long) có tổng diện tích sử dụng đất là 25.900m2; quy mô dân số dự kiến vào khoảng 3.880 người với vốn đầu tư khoảng 1.361 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư xây dựng khoảng 1.361 tỷ đồng. Dự án này đang triển khai sẽ được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án đã có hiện tượng một số sàn giao dịch bất động sản hoặc các tài khoản mạng xã hội (không phải của chủ đầu tư) đăng tải thông tin rao bán, hướng dẫn làm hồ sơ mua nhà ở xã hội... có dấu hiệu “trục lợi”, làm mất an ninh trật tự, gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng tới chính sách của Đảng, Nhà nước.

Quá trình xác minh, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã xác định được hai đối tượng trú trên địa bàn sử dụng các tài khoản mạng xã hội do mình tạo lập, quản lý nhằm chia sẻ nhiều bài viết có nội dung thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng để thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ thủ tục đăng ký hồ sơ mua nhà ở xã hội và thu phí dịch vụ của khách hàng mà không được phía chủ đầu tư cho phép, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của chủ đầu tư dự án...

Theo đại diện chủ đầu tư dự án, công ty chưa nhận hồ sơ và cam kết không thu bất kỳ khoản phí nào liên quan đến việc hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời công ty không ủy quyền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội tại dự án GHomes Ha Long. Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, để bảo đảm tính công bằng và hạn chế tối đa các sai sót, sẽ áp dụng công nghệ phần mềm trong việc tiếp nhận, theo dõi và xử lý hồ sơ. Việc xét duyệt hồ sơ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo hình thức công khai, minh bạch.

Số liệu của Bộ Xây dựng cập nhật đến ngày 19/5, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 157 nghìn căn hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai 418 dự án nhà ở xã hội, kể cả các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó, 100/418 dự án đã được cấp phép và triển khai đầu tư xây dựng.

(Còn nữa)