Tránh tình trạng người thu nhập cao "tranh mua" nhà ở xã hội với người thu nhập thấp

NDO - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng cơ chế thuận lợi, công bằng, huy động thêm các nguồn lực để xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời chấn chỉnh thực trạng người có thu nhập cao tranh giành mua nhà ở xã hội với người thu nhập thấp.
0:00 / 0:00
0:00

Nhiều người ở trong nhà ở xã hội không đúng đối tượng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), tiêu chuẩn đối với đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội đã được quy định khá hợp lý, theo đó phải chưa có nhà và chứng minh thu nhập chưa đến mức phát sinh thuế thu nhập.

Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn tại sao quy định đã có nhưng vẫn để lọt nhiều trường hợp người có thu nhập cao tranh giành mua nhà ở xã hội với người thu nhập thấp?

Tránh tình trạng người thu nhập cao "tranh mua" nhà ở xã hội với người thu nhập thấp ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

“Nếu như chúng ta có một cuộc tổng rà soát xem đối tượng nào đang ở trong những căn nhà ở xã hội thì sẽ có được câu trả lời rằng có rất nhiều người không đúng đối tượng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu thực trạng, đồng thời cho rằng trong quản lý đã có kẽ hở để dẫn đến tình trạng này.

Thậm chí, có những khu nhà ở xã hội chưa bàn giao hết nhưng đã rao bán rất nhiều trên các trang mạng xã hội và điều này không hiếm. Theo đại biểu tỉnh Hải Dương, những đối tượng rao bán nhà xã hội như vậy chắc chắn không phải người có nhu cầu mua thực tế.

Để tránh tình trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần phải rà soát xem chế tài xử lý đã có và đã đủ mạnh hay chưa, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác hậu kiểm và chấn chỉnh lại công tác xét duyệt hồ sơ.

“Đây là một vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét tổng thể. Còn nếu không khắc phục được mà vẫn để tình trạng này xảy ra thì tôi tin chắc rằng có xây bao nhiêu nhà ở xã hội đi chăng nữa thì cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, khi vẫn có những vấn đề liên quan cung-cầu tồn tại và vẫn còn tình trạng người ở trong nhà ở xã hội không phải là đối tượng được mua nhà ở xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Nếu không khắc phục được mà vẫn để tình trạng này xảy ra thì tôi tin chắc rằng có xây bao nhiêu nhà ở xã hội đi chăng nữa thì cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Để nhà ở xã hội trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người lao động có thu nhập thấp, theo nữ đại biểu, cần phải cải thiện công tác giám sát, bởi hiện các quy định rà soát đối tượng đang mất quá nhiều thời gian khi Sở Xây dựng là đầu mối chính để nhận hồ sơ nhưng phải phối hợp với nhiều cơ quan khác, với thời điểm rà soát khác nhau, dẫn đến hồ sơ của người lao động, người mua nhà ở xã hội không được rà soát kịp thời.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nêu thực trạng theo phản ánh những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, giá nhà ở xã hội hiện nay so với thu nhập của những đối tượng này vẫn còn cao, thậm chí có những người phải vay mượn để mua nhà ở xã hội rồi sau đó phải bán lại vì không thể kiếm được tiền để trả nợ ngân hàng.

Do đó, theo đại biểu tỉnh Hải Dương, bên cạnh việc tăng cường diện tích nhà ở xã hội thì điều quan trọng hơn cả là phải rà soát toàn bộ các khâu thủ tục và quản lý và hơn nữa, đồng thời cũng cần phải có những biện pháp để hạ giá thành nhà ở xã hội, bởi hiện nay so với mặt bằng thu nhập chung, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo thành thị và công nhân, giá nhà ở xã hội vẫn còn cao so với thu nhập của họ.

Huy động đa dạng các nguồn lực cho xây dựng nhà ở xã hội

Tránh tình trạng người thu nhập cao "tranh mua" nhà ở xã hội với người thu nhập thấp ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) trao đổi bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Để phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững, theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế), rất cần một nguồn quỹ ổn định để bảo trì, xây dựng cũng như phát triển nhà ở xã hội.

Nguồn vốn cho quỹ này có thể được huy động từ nhiều nguồn, như từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư để tạo nguồn thu phi lợi nhuận bảo đảm cho an sinh xã hội, hay từ các tổ chức nước ngoài muốn phát triển ổn định ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần xem xét, đánh giá toàn diện các chính sách đất đai, chính sách cho vay ưu đãi, cũng như đối tượng được áp dụng các chính sách đó, đồng thời cũng phải có sự đánh giá sâu hơn về tác động đối với các đối tượng trực tiếp và gián tiếp, trong đó đầu tiên là đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, đơn vị chuyên môn cũng cần đánh giá đối tượng là doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng chính sách nhà ở xã hội.

Tránh tình trạng người thu nhập cao "tranh mua" nhà ở xã hội với người thu nhập thấp ảnh 3
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Chia sẻ quan điểm cần huy động thêm các nguồn lực cho xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt kỳ vọng sẽ huy động đa dạng hơn các nguồn lực đầu tư cũng như các chủ thể đầu tư.

Theo đại biểu, phải phân định rõ hai yếu tố: Nhu cầu có chỗ ở và nhu cầu không chỉ có chỗ ở mà còn sở hữu tài sản.

“Nếu chúng ta phân định được hai yếu tố này thì sẽ có chính sách phù hợp. Chính sách đầu tư phù hợp sẽ giúp khuyến khích những đối tượng cung cấp các loại nhà ở nhiều lên, và khi nguồn cung nhiều lên thì các đối tượng như chúng ta đang mong muốn trợ giúp sẽ có cơ hội được tiếp cận các quỹ nhà này”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Ngoài ra, không chỉ cần nguồn tài chính, theo đại biểu Hà Phước Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh), cũng cần phải có những cơ chế để triển khai nhanh quy trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Thêm vào đó, phải có những chính sách công khai, minh bạch, công bằng để những đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và nhà ở công nhân được tiếp cận một cách nhanh nhất những gói hỗ trợ nhà ở.

Đại biểu Hà Phước Thắng cho rằng có như vậy, đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và công nhân đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ mới đi vào cuộc sống, giúp người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động ổn định về nhà ở, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.