Gỡ khó trong thu hút đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội

Bài 3: Thể chế hóa chủ trương, chính sách về nhà ở

0:00 / 0:00
0:00
Phối cảnh dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng, phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Thọ)
Phối cảnh dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng, phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Thọ)

Để giải bài toán thực hiện một triệu căn hộ nhà ở xã hội trên cả nước đến năm 2030, các bộ, ban, ngành, địa phương chung sức, đồng lòng triển khai đồng bộ những giải pháp cả ở cấp vi mô và vĩ mô với mục tiêu cuối cùng là tinh giản các thủ tục hành chính, dành nguồn vốn đầu tư công... để đầu tư hạ tầng.

Đồng thời đẩy nhanh tiến trình giải phóng mặt bằng và rút gọn khâu xét duyệt hồ sơ các đối tượng thụ hưởng và phê duyệt giá nhà các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần có giải pháp kích thích, thu hút các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ để phát triển phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đúng theo kế hoạch.

Rà soát quy hoạch đất đai, sớm giải ngân vốn vay

Thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã, đang tích cực rà soát quy hoạch, diện tích đất trong các khu công nghiệp và các khu vực kế cận phù hợp để bố trí phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trần Xuân Dưỡng, với quan điểm phát triển nhà ở trên địa bàn phù hợp chiến lược nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh theo từng giai đoạn, bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật về nhà ở, các định hướng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn và chương trình phát triển đô thị; trong đó, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.

Nếu địa phương nào chưa làm tốt, đúng quy định chính sách nhà ở xã hội sẽ bị “tuýt còi” để điều chỉnh, sửa đổi.

Để triển khai tốt chính sách hỗ trợ vốn vay mua nhà ở xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Hà Nam, nhất là Sở Xây dựng tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan và các huyện, thành phố, thị xã triển khai việc xét duyệt đối tượng được hưởng chính sách bảo đảm đúng đối tượng và kịp thời theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện tại các dự án.

Cùng với đó tiếp tục rà soát, bố trí đủ quỹ đất nhà ở phục vụ lao động ở các khu công nghiệp theo quy định; kiểm soát chặt chẽ các chủ đầu tư nhà ở thương mại phải dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.

Gỡ khó trong thu hút đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội ảnh 3

Nhà ở của nhân viên, công nhân Công ty LG Display Việt Nam tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng. (Ảnh: Quang Dũng)

Thậm chí, nếu địa phương nào chưa làm tốt, đúng quy định chính sách nhà ở xã hội sẽ bị “tuýt còi” để điều chỉnh, sửa đổi. Câu chuyện ở Bắc Giang là một thí dụ.

Trước đây, Bộ Xây dựng nhận được văn bản của UBND tỉnh Bắc Giang về việc công bố công khai danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân có nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong danh mục dự án báo cáo của địa phương, Bộ Xây dựng thấy có một số dự án chưa đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí theo hướng dẫn; một số dự án trong danh mục được công bố thiếu hồ sơ như quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng...

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh rà soát lại các dự án đủ điều kiện được vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng và công bố lại danh mục các dự án theo đúng hướng dẫn.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Cao Tường Huy cho rằng: Việc lập, triển khai các kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện thành công chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Cùng với đó tỉnh tập trung đẩy mạnh rà soát các dự án, bảo đảm tính khả thi, tiến độ triển khai cụ thể, phù hợp các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung của tỉnh.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt

Để hoàn thành mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân giai đoạn 2021-2030, tại các địa phương trên cả nước đã, đang rốt ráo triển khai, tìm nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn. Ngoài những giải pháp vĩ mô, quan trọng nhất là phải thu hút được các doanh nghiệp có tâm, có tầm và đủ tiềm lực đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội.

Theo bà Cao Phương Thảo, Phó Ban quản lý Khu đô thị-dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ, muốn đạt được điều đó cần có những cơ chế cởi mở, thông thoáng, nhất là cần giảm bớt thủ tục pháp lý quy định về dự án nhà ở xã hội. Theo đó, Nhà nước chỉ cần quy định doanh nghiệp phải tuân thủ định mức về mức lợi nhuận toàn dự án và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về giá bán và cho thuê của mình trước pháp luật.

Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nay vẫn còn một số khó khăn thu hút đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.

Mặt khác, Chính phủ cần xem xét nới rộng đối tượng được phép thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội bao gồm cả các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp có nhu cầu bố trí nhà ở cho người lao động; cho phép chủ đầu tư được chủ động lựa chọn các hình thức thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội bảo đảm phù hợp với kế hoạch kinh doanh và nhu cầu của khách hàng…

Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nay vẫn còn một số khó khăn thu hút đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.

Chẳng hạn, về thủ tục đầu tư, hiện pháp luật quy định trình tự làm nhà ở xã hội không khác gì nhà ở thương mại, thậm chí có bước còn nhiều hơn. Việc này xuất phát từ Nhà nước có chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội nên khi thiết kế chính sách, yêu cầu có giải pháp, công cụ quản lý dự án này, dẫn đến trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài.

Hay chính sách hỗ trợ chủ đầu tư, dù luật có quy định miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế VAT, được ưu đãi tiếp cận vốn… nhưng các chính sách chưa thực chất. Bởi lẽ, chủ đầu tư khi áp dụng ưu đãi thì không được tính vào giá bán, như vậy bản chất là chủ đầu tư không được hưởng, dẫn đến không thu hút được chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, để thu hút doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là chính sách ưu đãi và công tác quản lý, quy hoạch. Mặt khác thủ tục của các dự án cũng phải rút gọn, không để tình trạng “dự án mất đến vài năm để làm thủ tục”.

Ông Vũ Hồng Thanh cũng đề xuất ở mỗi dự án nhà ở xã hội cần cơ chế dành ra khoảng 20% quỹ đất phục vụ mục đích thương mại, bù đắp lợi nhuận cho nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn... giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giá bán và người dân dễ tiếp cận nhà ở xã hội hơn.

Về góc độ thị trường cung và cầu, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng gia đình chính sách, người thu nhập thấp, nghèo, cận nghèo tiếp cận được nhà ở xã hội. Về vấn đề mở rộng đầu ra cho các dự án nhà ở xã hội, mới đây tỉnh Bắc Giang nơi có số lượng dự án nhà ở xã hội cho công nhân lớn đã kiến nghị có thể chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội để mở rộng đối tượng được thuê, mua nhà tại các dự án đang và sắp thi công, chứ không chỉ bán cho đối tượng là công nhân!

Về nguồn vốn triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ vốn tín dụng chính sách để mua, thuê mua nhà ở xã hội cũng cần bảo đảm nguồn lực tín dụng ưu đãi hỗ trợ các đối tượng có khó khăn về nhà ở, nhất là hỗ trợ đối tượng công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp vay vốn để mua nhà ở xã hội trên địa bàn.

Các địa phương cần công khai điều kiện, tiêu chuẩn, diện được mua nhà ở xã hội; quản lý chặt việc mua bán; kiên quyết khắc phục, xử lý nếu phát hiện những trường hợp mua bán nhà ở xã hội không đúng quy định…

Chung sức, đồng lòng hóa giải khó khăn, vướng mắc

Một trong những điểm nhấn của chủ trương xây dựng nhà ở xã hội lần này là phải nâng tầm không gian sống cho người mua, thuê, không chỉ về mặt lượng mà còn cả chất lượng sống.

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Lê Tiến Châu, thành phố nỗ lực thay đổi, chuyển hóa quan điểm nhà ở xã hội là “không gian cho các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp, các điều kiện sống vừa đủ” của nhiều người hiện nay.

Thay vào đó, nhà ở xã hội phải là không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học) và quan trọng phải vừa túi tiền, phù hợp khả năng chi trả của đa số người dân.

Từ thay đổi quan điểm tiếp cận đó, nhiều địa phương khác cũng đang hướng tới ưu tiên phát triển nhà ở xã hội gắn liền với đô thị, với các khu vực sản xuất, dịch vụ và tạo ra công ăn, việc làm; hạn chế dần các dự án nhỏ và dần chuyển sang mô hình dự án nhà ở xã hội là khu ở, đơn vị ở đồng bộ, tiện nghi với quy mô lớn…

Nhà ở xã hội phải là không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học) và quan trọng phải vừa túi tiền, phù hợp khả năng chi trả của đa số người dân.

Tại lễ khởi công Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh (Bắc Giang) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Đây là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đòi hỏi cả địa phương vào cuộc, các nhà đầu tư ủng hộ trên tinh thần tương thân, tương ái để phát triển nhà ở xã hội với giá cả phải chăng.

Mặt khác cần có các chính sách khuyến khích cho công nhân, người thu nhập thấp mua được nhà, bảo đảm an cư lạc nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền quy hoạch thêm các thiết chế về văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục để các khu nhà ở xã hội đầy đủ các thiết chế, tạo cơ hội cho công nhân, người thu nhập thấp được sống thoải mái, thuận lợi nhất để họ cống hiến, đóng góp cho đất nước.

Chính sách phát triển nhà ở xã hội được Đảng, Nhà nước, Quốc hội hết sức quan tâm, nhưng vấn đề đầu tư có hạn do hạn chế nguồn lực, đồng thời phải dành nguồn lực cho các ưu tiên khác. “Vì vậy, cần phải tìm cơ chế để cải thiện huy động nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội; phải có chủ trương về đất đai, quy hoạch cho việc phát triển nhà ở xã hội. Bởi đây là những công việc mà chúng ta đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phải bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu một triệu căn hộ nhà ở xã hội và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, các bộ, ngành, địa phương cần chung sức, đồng lòng nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp thẩm quyền để tìm ra lời giải giúp những người thu nhập thấp sớm an cư, lạc nghiệp.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 1, 2/7/2023.