Giúp du lịch cộng đồng tăng tốc

Để có thể tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, chất lượng, thu hút khách du lịch, sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch là không đủ, mà cần có cả cộng đồng “làm” du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Các em nhỏ tham gia hoạt động trải nghiệm tại Khu sinh thái Phù Đổng Green Park.
Các em nhỏ tham gia hoạt động trải nghiệm tại Khu sinh thái Phù Đổng Green Park.

Do đó, Sở Du lịch Hà Nội cùng các ngành liên quan vừa triển khai các hoạt động hỗ trợ để cộng đồng cư dân có thể tham gia vào chuỗi kinh tế du lịch.

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) hiện là một địa danh du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Ở đây ngày càng có nhiều người dân tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch qua các hoạt động: Tổ chức tham quan nhà cổ, cung cấp dịch vụ ẩm thực, nhà nghỉ (homestay), cho thuê xe đạp, bán hàng lưu niệm... Năm 2022, thị xã Sơn Tây đón 654 nghìn lượt khách du lịch, thì riêng điểm du lịch xã Đường Lâm đón 340 nghìn lượt khách.

Tuy nhiên, Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, phần lớn người dân tại di tích chưa được thụ hưởng và có lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch, nhiều người chưa ý thức được việc “làm du lịch” cho nên môi trường văn hóa, việc ứng xử giữa người dân với khách du lịch còn chưa chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch dịch vụ còn chưa phong phú, đa dạng.

Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, trang bị thêm kỹ năng đón tiếp khách, xây dựng sản phẩm…, đầu tháng 6 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây tổ chức Hội nghị tập huấn ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho người dân xã Đường Lâm.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kiến thức về hoạt động du lịch. Trong đó, có các hình thức du lịch mà người dân có thể triển khai dựa trên thế mạnh hiện có của địa phương như: Du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Người dân cũng được hướng dẫn cách ứng xử với khách du lịch từ những cử chỉ, lời nói, nụ cười.

Chỉ trước đó ít ngày, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn kỹ năng du lịch cho người dân xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng). Hạ Mỗ là vùng đất cổ nghìn năm văn hiến nổi tiếng với thành cổ Ô Diên, một thời là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân ở thế kỷ 6.

Tháng 4/2023, Ủy ban nhân dân huyện Đan Phượng đã ban hành kế hoạch “Nâng cao chất lượng điểm đến du lịch Hạ Mỗ 2023” nhằm xây dựng thương hiệu điểm đến chất lượng, hấp dẫn; khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đất Ô Diên xưa, đẩy mạnh phát triển du lịch.

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính cho biết, thời gian tới huyện phối hợp Sở Du lịch Hà Nội xây dựng điểm mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh; tập trung khai thác du lịch làng nghề, ẩm thực như sản xuất kẹo lạc tại xã Song Phượng, sản xuất rượu, đậu tại các xã Hồng Hà, Hạ Mỗ...; đồng thời phối hợp các doanh nghiệp du lịch xây dựng mô hình du lịch vui chơi, giải trí tại khu vực bãi nổi sông Hồng. Do đó, việc đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân là hết sức cần thiết.

Du lịch cộng đồng là khi người dân tham gia hoạt động du lịch dựa trên thế mạnh văn hóa, tự nhiên của địa phương. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, làng nghề, văn hóa phong phú, đa dạng, cũng như lợi thế về nông nghiệp, thành phố Hà Nội được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.

Hà Nội đã có những địa bàn mà cộng đồng tích cực tham gia vào hoạt động du lịch như: Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu di tích Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức), làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín)... Theo Tiến sĩ Vũ Lan Hương (Khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội): “Người dân ở các làng quê vốn quen làm nông nghiệp và nghề thủ công tại các làng nghề, cho nên rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với khái niệm du lịch cộng đồng.

Do chưa nhìn thấy lợi ích, ít người chịu bỏ tiền đầu tư hạ tầng, cải tạo nhà cửa để làm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, để phát triển du lịch cộng đồng, người dân cần quá trình dài học cách ứng xử văn minh trong giao tiếp và đối đãi với khách”. Khắc phục những nhược điểm này, bên cạnh đầu tư hạ tầng, Hà Nội đang nỗ lực nâng cao nhận thức, cung cấp kỹ năng cho cộng đồng thông qua các buổi tập huấn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng công nhận sản phẩm OCOP cho nhóm sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Mới đây, điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) đã chính thức được công nhận sản phẩm OCOP. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho quảng bá sản phẩm, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi “mua” sản phẩm du lịch.

Phó Giáo sư Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết: “Để người dân có được kỹ năng, kiến thức làm du lịch thì cần phải được tập huấn, hướng dẫn và kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế. Việc Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ các huyện ngoại thành phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh không chỉ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương”.