Giữ mạch nguồn chèo bá trạo

Làng chài thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là nơi chứa đựng nét văn hóa dân gian đậm đà bản sắc. Mỗi dịp lễ hội, người làng tổ chức lễ Cầu ngư, Giỗ Thần Nam Hải, chèo hát bá trạo, Múa gươm… Trong những hoạt động này, nổi bật hơn cả vẫn là chèo bá trạo bởi tính quy củ cả về hình thức lẫn nội dung, mang đậm giá trị tâm linh, riêng biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình kiểm tra đạo cụ bá trạo.
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình kiểm tra đạo cụ bá trạo.

Yêu lắm… bá trạo ơi

Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Bình Thạnh sinh ra và lớn lên bên con sóng ở làng biển Hải Ninh. Từng mảnh ghép văn hóa xứ này, dù nhỏ hay lớn, ông Bình hiểu hơn ai hết. Thời trai trẻ, ông Bình cùng lớp thanh niên trạc tuổi nhau đi xem những ngày hội diễn văn nghệ trong làng. Tận mắt chứng kiến các cụ cao niên đứng ra biểu diễn chèo bá trạo, từng lời ca, điệu bộ đã thấm vào trí nhớ của ông Bình. “Hát bá trạo là sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu khi tổ chức lễ Cầu ngư và Giỗ Thần Nam Hải ở các làng chài ven biển miền trung, trong đó có Quảng Ngãi. Tuy đời sống ở quê còn vất vả trăm bề nhưng tinh thần của người dân luôn được chăm lo, thể hiện rõ qua các ngày lễ, Tết, hội hè”, ông Bình khẳng định.

Một kịch bản chèo bá trạo đúng nét truyền thống gồm có bốn lớp. Lớp I là “Tạ ơn Thần Nam Hải” đã có công cứu độ ngư dân lúc gặp cơn sóng gió trên biển. Nghi thức trong lớp I gồm ba lạy: Lạy Thần Nam Hải, lạy cầu quốc thái dân an và lạy cầu cho làng chài bình an. Lớp II là “Đưa thuyền ra khơi đánh bắt cá”, tổng lái phát lệnh cho chúng trạo đưa thuyền ra khơi. Lớp III là “Thuyền gặp cơn sóng gió ba đào, cầu cứu Thần Nam Hải”. Và lớp IV là “Thuyền cập bến bờ bình yên”. “Ngoài kịch bản chung, tôi còn đặt thêm một ít lời mới cho phù hợp và nhằm giúp người nghe, người xem nhận biết ý nghĩa cuộc sống của cha ông ta ngày xưa. Từ đó họ thêm trân trọng và quý mến nghề biển truyền thống ngàn xưa để lại”, ông Vũ Huy Bình cho biết.

Niềm đam mê bá trạo đã được tiếp lửa khi Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Bình Thạnh đã hoạt động liên tục trong bảy năm qua. Với 42 thành viên thường xuyên sinh hoạt, tập luyện hát bá trạo, ông Bình cho rằng đó là dấu hiệu tích cực trong việc phổ biến, trình diễn loại hình nghệ thuật này ra với công chúng. Đơn cử, tác phẩm chèo bá trạo “Biển hát” có thời lượng 60 phút đã diễn ra trọn vẹn khi 19 thành viên của đội nắm vững nội dung.

Nét duyên dáng của ngư dân vùng biển càng thêm đẹp khi mọi hình ảnh hằng ngày của họ được đưa vào chèo bá trạo. “Tổng tiền” lo việc nhìn trời trăng mây nước, nhìn sao nhìn núi để con thuyền đi đúng hướng. Vị trí “Tổng hậu” lo việc cầm lái đưa thuyền vững vàng trước sóng gió, phát lệnh giăng câu tát nước. Nhân vật “Tổng thương” lo công tác hậu cần trên biển. Ngoài ra, đội “Chúng trạo” có từ 16-20 con chèo cùng đồng diễn.

Lời ca trong cuộc sống

Nhận thấy tầm quan trọng của kịch bản bá trạo, đồng thời cần gìn giữ đúng giá trị nguyên bản, ông Vũ Huy Bình tìm gặp từng nghệ nhân cao niên để xác minh, ghi chép lời ca. Mỗi nơi chỉ còn lưu lại vài câu hát bằng chữ Nôm và chữ Hán. Tất cả nội dung cổ được cố Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Thảng hỗ trợ dịch ra thành tiếng phổ thông. Từ đó, kịch bản bá trạo mang tên “Biển hát” được ra đời, chứa đựng trọn vẹn tinh thần biển cả.

Chèo bá trạo tạo ra sự gần gũi, thu hút được người xem là do những hình ảnh sinh hoạt vạn chài ngoài khơi xa được đưa vào sân khấu hóa. Người xem như thấy được chính bản thân mình trong mỗi lời ca, điệu bộ. Ký ức mỗi chuyến ra khơi gặp sóng gió, bão bùng của ngư dân vẫn được xuất hiện trong chèo bá trạo. Khi tiếng nhạc vang lên, niềm tin của bà con làng biển trỗi dậy mạnh mẽ hơn. Họ đặt mục tiêu mỗi chuyến ra khơi được kéo đầy cá, đi lại an toàn, và các yếu tố của tự nhiên từ trời trăng đến mây gió sẽ là phương hướng để thuyền yên tâm về bến.

Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình dẫn lại lời bá trạo rằng: “Tổng tiền cất lời ớ bá trạo: Tay cầm chèo cho chắc. Chân đứng ký chữ đinh. Tai nghe tích dạ tam thinh. Chèo hầu Lăng tự đó nghe. Tổng thương nghe lệnh thuyền khẩn cấp: Sửa chèo chống vững vàng. Thuyền chúng trạo lưỡng ban. Đồng thanh ca nhứt lực đó nghe. Tổng hậu ớ bá trạo: Quê hương nay đã thái bình. Không còn bóng giặc rập rình nơi đây. Mái chèo ta hãy chắc tay. Ra khơi vô lộng tháng ngày tự do…”.

Ông Nguyễn Tấn Sâm, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Bình Thạnh là người đồng hành với ông Bình trong việc huấn luyện, dẫn dắt lớp trẻ ở Hải Ninh theo đuổi chèo bá trạo. Trong xu hướng hiện nay, thanh thiếu niên thường yêu thích dòng nhạc hiện đại. Dẫu vậy, ông Bình đã tìm thấy chút “năng lượng biển khơi” trong một số người con của làng khi họ luôn muốn tìm về cội nguồn. Do đó, Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Bình Thạnh chính là sân chơi tạo ra thế bàn đạp, thúc đẩy phong trào văn hóa dân gian của địa phương ngày càng đi lên.

Tinh thần đoàn kết trong ngư dân tạo nên quy ước chung của cả vạn chài. Hình ảnh dân làng tụ hội, chung tay tổ chức những buổi biểu diễn bá trạo càng làm cho niềm đam mê văn hóa làng Hải Ninh thêm mạnh mẽ. Nghệ nhân Ưu tú Vũ Huy Bình thoáng chốc trăn trở khi lớp thế hệ cao niên dần ít đi thì tương lai của hát bá trạo sẽ về đâu. Việc bảo tồn nét đẹp vùng biển rất cần sự chung sức, cống hiến từ nhiều phía, giúp cho giá trị cha ông để lại luôn sống mãi.