Giáo sư Mai Quốc Liên, nhà văn, nhà khoa học luôn nhiệt huyết với đời

Trong giới khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là chuyên ngành văn học cổ, cũng như trong phê bình văn học hiện đại, Giáo sư Mai Quốc Liên (trong ảnh) là một tên tuổi rất đáng chú ý. Giáo sư được xem là một trong số ít ngòi bút uyên bác, có nhiều kiến giải mới mẻ về những vấn đề tưởng đã quen thuộc. Ham đọc, trí nhớ tốt, hiểu sâu và rộng cả cổ kim đông tây, sát thời cuộc, nên ông được nhiều người khâm phục, vị nể, quý trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư Mai Quốc Liên, nhà văn, nhà khoa học luôn nhiệt huyết với đời

Mai Quốc Liên sinh ngày 8/6/1940 ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông là học sinh từ trong kháng chiến, tập kết ra bắc, học Đại học Tổng hợp Hà Nội, cao học Hán học, Tiến sĩ văn học, học hàm Giáo sư. Ông kinh qua nhiều công tác, làm báo, dạy đại học, làm việc tại cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam và Hội đồng văn học, nghệ thuật Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Tổng Biên tập Tạp chí Hồn Việt…

Với sở học và kiến văn của mình, Giáo sư Mai Quốc Liên vừa giảng dạy, vừa đi sâu vào nghiên cứu. Đây là một thử thách rất lớn, vì để có thêm phát hiện mới về những tác gia, tác phẩm cổ điển vốn đã được những người đi trước phần lớn là những bậc “đại bút” học rộng tài cao từng nghiên cứu, là điều không dễ dàng. Mai Quốc Liên ý thức rõ điều này, lại được những người thầy, người anh quý mến, tận tâm giúp đỡ và cộng tác nên đã nhanh chóng trưởng thành.

Công trình chuyên sâu của ông về Ngô Thì Nhậm (1746-1803), nhà chính trị và văn hóa kiệt xuất, là công trình tổng hợp đầu tiên nghiên cứu và đánh giá toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, trước tác, tài năng và cống hiến của danh nhân này. Đó là luận án tiến sĩ của ông, sau có bổ sung, xuất bản và được Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Trên bước đường nghiên cứu, ông cũng tập hợp, liên kết được nhiều nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành ở trong nước, các trí thức chuyên gia Việt kiều ở ngoài nước, để tạo sức mạnh chung.

Ông chủ biên, dịch, khảo cứu và là tác giả chính của nhiều công trình về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Đỗ Phủ..., tham gia viết nghiên cứu về các tác gia cổ và cận đại từ Trần Nhân Tông, Nguyễn Tông Khuê, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... đến các gương mặt tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Phan Văn Trị... Ngoài ra, ông còn có những tham luận giá trị tại các hội thảo, kỷ niệm lớn ở trong nước và quốc tế.

Cùng với tư cách nhà khoa học, Giáo sư Mai Quốc Liên còn là nhà giáo dục xuất sắc. Nhiều năm ông đứng lớp trên giảng đường đại học và từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Khoa học của Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Những bài giảng của ông bao giờ cũng phong phú, cuốn hút, chiếm được cảm tình của sinh viên. Ông tham gia đào tạo nhiều sinh viên cao học, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành, nhiều người trong số họ khi ra làm việc đã có những đóng góp tốt về nghiên cứu, giảng dạy.

Là người năng động, Giáo sư Mai Quốc Liên còn hoạt động lý luận phê bình đương đại. Với tư duy nhạy bén, sắc sảo, giọng văn uyển chuyển, ông từng được xem là cây bút phê bình nổi trội từ khi còn khá trẻ. Về sau, dù đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Tổng Biên tập Tạp chí Hồn Việt, cùng một số chức trách khác, “công việc luôn ngập đầu”, như ông thường than, nhưng ông vẫn theo sát và nắm bắt tình hình văn nghệ, có ý kiến và bài viết kịp thời về các hiện tượng văn học, tác phẩm tác giả nổi bật vừa xuất hiện.

Ông có nhiều bài viết đặc sắc, chính xác, giàu lượng thông tin về sự nghiệp thơ văn của những tên tuổi lớn Chế Lan Viên, Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu... thuộc lớp trước, hoặc các bạn đồng trang lứa như Xuân Quỳnh, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt... Những trang viết về Nguyễn An Ninh, Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, đầy tâm huyết, hào sảng, khắc họa đúng phẩm chất, tính cách các nhà cách mạng cũng là những nhà hoạt động văn hóa này.

Trái tim Mai Quốc Liên luôn luôn nhiệt thành với lý tưởng chính trị và nghệ thuật cách mạng của thời đại mới.

Ông dành nhiều suy nghĩ và công sức giới thiệu văn xuôi Nam Bộ thời kỳ phôi thai những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đứng Tổng chủ biên cùng đồng nghiệp thực hiện thành công công trình đồ sộ Một thế kỷ văn học yêu nước và cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh (1900-2000), 25 tập, dày 20 nghìn trang sách khổ lớn. Các bài viết chân dung nhà văn Vũ Hạnh, Viễn Phương, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Lê Đình Kỵ, Cao Xuân Hạo... mà ông thân thiết gần gũi, không chỉ thể hiện sự ấm áp nghĩa tình, mà còn bày tỏ nhận xét sắc sảo về văn chương, sự nghiệp, tính cách của họ.

Trái tim Mai Quốc Liên luôn luôn nhiệt thành với lý tưởng chính trị và nghệ thuật cách mạng của thời đại mới. Ngòi bút ông rưng rưng xúc động ngợi ca, luận bình về những câu thơ hay, những trang văn cách mạng đặc sắc ra đời những năm khói lửa. Ông bất bình trước bài viết có ý phủ định những thành tựu mà Đảng và dân tộc đã giành được, những nhận định hạ thấp giá trị văn chương cách mạng mà đội ngũ văn nghệ sĩ phải đổ bao mồ hôi, máu xương mới kết tinh được.

Ông luôn khẳng định mạnh mẽ giá trị của các cuộc chiến tranh yêu nước, của văn học cách mạng và kháng chiến, dù còn những điều chưa hoàn thiện, nhưng đó là điểm tựa cho chỗ đứng và thái độ của người cách mạng cũng như trong sự chọn lựa hiện nay. Ông khát khao điều đó “phải trở thành văn hóa đạo đức và lẽ sống của các thế hệ hôm nay và mai sau”. Tại các hội nghị, hội thảo ông luôn hăng hái bày tỏ ý kiến, được người nghe chú ý, vì nói như Giáo sư, nhà văn Trần Thanh Đạm, thì “văn Mai Quốc Liên rất có văn khí bởi anh có suy nghĩ, hiểu biết và cảm hứng thật sự”.

Làm nghiên cứu, phê bình song Giáo sư Mai Quốc Liên cũng rất yêu thơ và am hiểu về thơ, từng xuất bản tập thơ “Vị mặn biển đời”, mà ông tự nhận chỉ là người làm thơ “nghiệp dư”, nhưng nếu ai đã đọc, sẽ thấy ở đây một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhiều bài có cấu tứ vững chắc, ngôn từ chắt lọc, ý vị đậm đà và gợi suy ngẫm ở chiều sâu.

Trong con người Mai Quốc Liên có nhiều khía cạnh: Nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn, nhà hoạt động văn hóa, nhà thơ, một trí thức nghĩa tình, mà ở phương diện nào ông cũng luôn luôn sôi sục và nhiệt huyết với đời, với nghề. Ông được tặng hai Giải thưởng Nhà nước, một về khoa học, công nghệ (2010) và một về Văn học, nghệ thuật (2012) cùng một số giải thưởng khác. Trái tim ông ngừng đập vào ngày 10/3/2024 sau một cơn đột quỵ. Lễ truy điệu được tổ chức vào ngày 12/3/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.