Văn học với nền tảng tinh thần xã hội

LTS - Văn học nghệ thuật luôn hướng đến trả lời các vấn đề của cuộc sống. Một trong những lĩnh vực quan trọng mà thực tiễn đang đòi hỏi người cầm bút hướng đến giải quyết thấu đáo, cởi mở và dân chủ là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thêm một góc nhìn về vấn đề cơ bản này, Báo Nhân Dân cuối tuần giới thiệu cùng bạn đọc vệt bài của nhà lý luận phê bình Trần Thiện Khanh, đồng thời mong được đón nhận những chia sẻ, trao đổi của các nhà văn hóa, nhà lý luận, phê bình cùng những người quan tâm đến khía cạnh trách nhiệm của văn học nước nhà trong việc góp phần xây dựng nền tảng tinh thần và đạo đức xã hội.

Những tác phẩm văn học giá trị không thể thiếu với đời sống tâm hồn con người.
Những tác phẩm văn học giá trị không thể thiếu với đời sống tâm hồn con người.

Bài 1: Quyền lực của niềm tin

1. Nhà nghiên cứu Ðặng Thai Mai khi viết Văn học khái luận, công trình lý luận văn nghệ mác-xít có hệ thống đầu tiên ở ta, đã chỉ rõ rằng: văn học cũng như hình thái ý thức khác nảy sinh trên nền tảng sinh hoạt kinh tế - xã hội; phát triển trên nền sinh hoạt chung, văn học "góp sức vào công cuộc bồi bổ nền văn hóa", "văn học có sứ mạng bồi bổ cải tạo sinh hoạt về mặt tinh thần và cả mặt vật chất nữa" (Văn học khái luận,1944).

Nhà văn là đại biểu tinh thần của xã hội, phụng sự kiến tạo tinh thần xã hội. So với các thể loại lời nói khác, văn học (nghệ thuật) có sức mạnh không gì sánh được trong việc kiến tạo các hệ giá trị sống, các mẫu người văn hóa tiêu biểu cho thời đại, xã hội. Sáng tạo văn học là con đường đặc thù để kiến tạo tri thức về thế giới, xã hội, con người; là con đường xây dựng, củng cố niềm tin về các giá trị chân - thiện - mĩ, các biểu tượng thiêng liêng.

Trong việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội đương đại, nhìn chung có hai vấn đề cấp bách cần giải quyết, hai vấn đề then chốt quyết định đến đường hướng văn nghệ, khuôn mặt văn nghệ hiện tại, thậm chí quyết định đến cả việc nhìn nhận, đánh giá di sản văn học cách mạng và thành quả đổi mới thời gian qua của chúng ta. Thứ nhất: xây dựng, củng cố niềm tin. Thứ hai: bảo vệ hệ tư tưởng mà dân tộc, lịch sử đã lựa chọn, đồng thời phải bảo vệ các biểu tượng, các huyền thoại thiêng liêng của cộng đồng - cơ chế vận động của văn hóa dân tộc. Ðánh mất niềm tin, làm sụp đổ các biểu tượng, huyền thoại của dân tộc đưa đến sự phủ nhận tuyệt đối là đánh mất, hủy hoại các giá trị nhân văn đẹp đẽ do bao thế hệ gây dựng, rộng hơn là nền tảng tinh thần của xã hội.

Trước hết, Xây dựng niềm tin là vấn đề nóng, bức thiết, phức tạp nhất trong đời sống văn hóa tư tưởng hiện nay. Ðó vừa là điều kiện vừa là kết quả của việc bảo vệ, xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Quyền lực và chức trách của văn học là tạo dựng niềm tin. Thể hiện niềm tin là phô diễn chỗ sâu sắc nhất, chân thực nhất trong tâm hồn. Ðọc một tác phẩm văn học, suy cho cùng là đọc niềm tin của người viết về con người, về thực tại. Chừng nào chưa trả lời được câu hỏi, nhà văn tin vào điều gì, vì sao anh ta tin điều đó, cách thể hiện niềm tin đó ra sao... thì coi như chưa đọc vỡ văn bản. Chẳng hạn đọc Truyện Kiều phải đọc cho ra niềm tin của Nguyễn Du về phẩm giá con người, niềm tin tôn giáo. Niềm tin của nhà văn chính là cơ sở của việc cắt nghĩa, lý giải thế giới và chiều hướng con đường đời của nhân vật. Ðọc Hồ Xuân Hương cũng vậy, ta tin vào sức sống, bản lĩnh của người phụ nữ. Ðọc truyện Chí phèo, qua nhân vật Thị Nở, ta tin vào sức mạnh cảm hóa của tình yêu, tình người. Chữ người tử tù gây dựng niềm tin về sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiên lương trước cái ác, cái xấu. Ðọc Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài không thể không tin vào sức sống tiềm tàng của con người. Rừng xà nu bồi đắp tinh thần yêu nước, cách mạng, khiến chúng ta thêm tin tưởng cách mạng, tin vào sức mạnh quật khởi, chính nghĩa của nhân dân ta.

Mục đích cuối cùng của văn học là làm cho con người tin tưởng vào một hệ giá trị nhân văn nào đó, tin tưởng để hành động, vun đắp, xây dựng, bảo vệ nó. Nói như Nam Cao, văn học có chức trách nâng đời sống con người lên. Một tác phẩm lớn phải là tác phẩm làm cho con người tin vào chính bản thân mình, tin vào chính con người, làm cho người ta sống đẹp hơn, tốt hơn, sống nhân ái, bao dung hơn: "Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn" (Ðời thừa).

Tác phẩm thật giá trị là tác phẩm truyền cho người ta một niềm tin đẹp đẽ nào đó, một lý tưởng sống cao đẹp nào đó, làm cho chúng ta như bừng ngộ ra, có thêm điểm tựa tinh thần, tâm đắc và hứng khởi. Niềm tin là kết tinh, biểu hiện sâu sắc nhất của tư tưởng, nhận thức, quan niệm. Cái gốc của niềm tin chính là tư tưởng, tâm trạng, nhận thức của mỗi chủ thể. Ðộng chạm đến niềm tin tức là khơi ra câu chuyện về nhận thức, khuynh hướng tư tưởng, tâm trạng xã hội. Trong sáng tác nghệ thuật, đặt niềm tin vào con người là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn. Ðể mất niềm tin, lòng tin trong con người, ở con người, giữa con người và với thể chế xã hội là điều rất lớn. "Người ta sống không chỉ bằng cơm ăn, nước uống, mà còn bằng tình thương và lòng tin. Mất tình thương và lòng tin thì còn sống thế nào?" (Tố Hữu). Gần đây, nhiều người cho rằng, thời đại ngày nay là thời đại bất tín nhận thức, khủng hoảng niềm tin đối với tất cả những giá trị tồn tại từ trước đây. Nếu đúng như vậy, thì văn học nghệ thuật đã có vai trò và trách nhiệm gì đối với việc hình thành nên thế giới quan kiểu đó?

Văn học có thể tác động, làm thay đổi cách nhìn, nhận thức, tư tưởng, tình cảm, thị hiếu, lối sống, tín ngưỡng, hành động của con người. Văn học là một phương tiện thể hiện các chuẩn mực chủ đạo trong đời sống xã hội; công cụ chống các hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, các quan điểm sai trái; là động lực để điều chỉnh, củng cố, bồi đắp niềm tin; phát huy những giá trị, truyền thống cao đẹp; xây dựng con người mới, hình thành cuộc sống mới, lối sống mới, góp phần bảo vệ nền tảng tinh thần xã hội.

2. Nói chuyện tại Ðại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1957), đồng chí Trường Chinh yêu cầu văn nghệ sĩ: "phải làm sao tự toàn bộ tác phẩm toát ra được thái độ rõ rệt, đúng đắn đối với chế độ ta. Ðó là có thái độ nhiệt tình ủng hộ chế độ, hiểu biết và tin tưởng, không bi quan, không thổi phồng cái xấu, cũng không bóp méo sự thật, không lẫn lộn hiện tượng với bản chất"(1).

Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế, nhà thơ Tố Hữu cho rằng: người sáng tác văn nghệ phải có sứ mệnh xây dựng niềm tin vào con người, nhân dân, chế độ của mình; tin để gắn bó, góp sức, ra sức làm cho mọi thứ tốt dần lên. Ðể xây dựng, củng cố niềm tin, văn nghệ không chỉ có nhiệm vụ khẳng định những giá trị tư tưởng tích cực, những thành tựu của nền văn nghệ kháng chiến, sự đúng đắn của đường lối văn nghệ của Ðảng, mà còn phải lên tiếng chống lại những tiếng nói lũng đoạn làm xói mòn niềm tin, chống lại những tiếng nói bất mãn xuyên tạc, nổi loạn phá phách, phản động thù địch con người, chế độ, nhân dân ta. Cũng theo Tố Hữu, văn nghệ không chỉ xây dựng, củng cố mà còn phải bảo vệ niềm tin chế độ và Ðảng lãnh đạo, bảo vệ mỹ học Mác - Lê-nin, bảo vệ con đường đúng đắn vì Tổ quốc, vì nhân dân và vì chủ nghĩa xã hội của nhà văn chân chính thời đại mới. Ðó là một sứ mệnh thiêng liêng, là trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ(2).

3. Không có "văn học thuần túy" đứng ngoài hệ tư tưởng. Văn học không chỉ là sản phẩm của hệ tư tưởng mà còn tham gia kiến tạo, duy trì, thực thi hệ tư tưởng của thời đại. Hệ tư tưởng nào thì văn học ấy. Không có thứ văn học không xuất phát và biểu hiện quan niệm có tính hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng là sản phẩm của văn hóa xã hội, nó không phải là ý muốn chủ quan của cá nhân.

Nhà văn lớn đồng thời là nhà văn hóa, nhà tư tưởng, sáng tạo theo một thế giới quan. Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng lớn của thời đại quân chủ phong kiến. Thơ văn ông là sản phẩm của hệ tư tưởng phong kiến, đồng thời cũng là một tác nhân kiến tạo, duy trì, bảo vệ hệ tư tưởng phong kiến, nền văn hóa Ðại Việt. Nhắc đến Nguyễn Trãi người ta nghĩ ngay đến chủ nghĩa yêu nước Ðại Việt, đến tập đại thành của tư tưởng yêu nước. Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị hiện đại, một đại biểu của thơ trữ tình cách mạng. Thơ Tố Hữu là bản anh hùng ca về thời đại Hồ Chí Minh, nhưng cũng là sản phẩm văn hóa của thời đại đó. Chỉ đến với cách mạng, viết về tình cảm lớn, lẽ sống lớn, niềm vui lớn..., Tố Hữu mới có thể đưa kiểu thơ trữ tình chính trị lên đỉnh cao như vậy.

Cơ chế hoạt động của văn hóa là các biểu tượng, các huyền thoại. Ðể xây dựng niềm tin, giá trị, thế giới quan... không thể không quan tâm đến sự sinh thành các biểu tượng, huyền thoại của dân tộc, của cộng đồng. Chức năng của văn học không phải là kéo đổ các biểu tượng, các giá trị thiêng liêng, đẹp đẽ, không phải là giải thiêng các anh hùng dân tộc. Ngược lại, chính văn học với tư cách là một hiện tượng ý thức hệ, đã biểu tượng hóa, huyền thoại hóa, hợp thức hóa một trật tự văn hóa xã hội nhất định, tôn vinh những anh hùng có công lao to lớn đối với cộng đồng, dân tộc. Biểu tượng hóa là con đường lớn của sáng tạo văn học.

(Còn nữa)

-------------------

1. Xem Trường Chinh, Về văn hóa và nghệ thuật, tập I, Nxb.Văn học, H, 1985, tr.222.

2. Xem thêm Tố Hữu, Về văn học và nghệ thuật, Văn phòng Bộ Văn hóa, H,1972.