Giải pháp toàn diện và lâu dài cho Sudan

Thỏa thuận ngừng bắn trong bảy ngày giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) nhận được sự đánh giá tích cực, song mới chỉ là biện pháp chữa cháy tạm thời, bởi khủng hoảng nhân đạo tại Sudan đang lan rộng. Cộng đồng quốc tế nhấn mạnh: Đã đến lúc ngưng tiếng súng và tìm giải pháp toàn diện, lâu dài cho Sudan.
0:00 / 0:00
0:00
Khói bốc lên từ các tòa nhà sau các cuộc giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 15/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên từ các tòa nhà sau các cuộc giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 15/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tuyên bố chung của Mỹ và Saudi Arabia, tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, các phe đối đầu tại Sudan đã ký một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo, có hiệu lực từ ngày 22/5 và kéo dài trong bảy ngày. Trong bối cảnh nhiều thỏa thuận ngừng bắn trước đó đã bị vi phạm, một cơ chế với sự tham gia của Mỹ, Saudi Arabia và cộng đồng quốc tế sẽ giám sát việc tuân thủ thỏa thuận lần này.

Tình hình nhân đạo tại Sudan đang trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 700 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước sang tuần thứ 6 tại Sudan. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, hơn một triệu người đã phải rời nhà cửa để lánh nạn, trong đó hơn 200.000 người di tản sang các nước láng giềng.

Tình hình nhân đạo tại Sudan đang trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 700 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước sang tuần thứ 6 tại Sudan.

Liên hợp quốc đã kêu gọi gần 2,6 tỷ USD để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh tại Sudan, trong bối cảnh khoảng 25 triệu người, hơn một nửa dân số tại quốc gia này đang cần trợ giúp nhân đạo và được bảo vệ.

Đây là số người cần trợ giúp nhiều nhất từng ghi nhận tại Sudan và con số gần 2,6 tỷ USD cũng là khoản tiền lớn nhất được kêu gọi để hỗ trợ nhân đạo cho Sudan. Liên hợp quốc ước tính cần thêm hơn 470 triệu USD để hỗ trợ những người Sudan đã rời khỏi đất nước để lánh nạn.

Tình hình những tuần qua nghiêm trọng hơn khi các tổ chức cứu trợ không thể cung cấp hỗ trợ tại thủ đô Khartoum, do không có sự bảo đảm an ninh và di chuyển an toàn cho nhân viên. Các vụ cướp phá xảy ra tại các kho của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), các ngân hàng, đại sứ quán, cơ quan hỗ trợ và cả các nhà thờ.

Hôm 20/5, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã lên án vụ tấn công và phá hoại Đại sứ quán Qatar ở Khartoum. Trước đó, đại sứ quán các nước Jordan, Saudi Arabia, Kuwait, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị tấn công.

Nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Sudan, Liên đoàn Arab (AL) đã thành lập một Ủy ban tiếp xúc về Sudan. AL liên tục kêu gọi các bên đối đầu tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo trong xung đột; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết khủng hoảng như một vấn đề nội bộ và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Liên hợp quốc đã báo cáo về một số lượng đáng kể các đối tượng có vũ trang tràn vào Sudan từ các nước trong khu vực Sahel. Trong khi đó, Tư lệnh quân đội Sudan cáo buộc lực lượng đối địch tuyển mộ chiến binh từ các quốc gia chung quanh như Chad, Cộng hòa Trung Phi và Niger.

Mặc dù lệnh ngừng bắn lần này tại Sudan chỉ kéo dài trong vòng một tuần, nhưng được đánh giá đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo, khôi phục dịch vụ thiết yếu, sơ tán dân thường khỏi các khu vực giao tranh. Cộng đồng quốc tế bày tỏ hy vọng lệnh ngừng bắn này sẽ được các bên đối đầu tuân thủ và xem xét gia hạn trong bối cảnh tình hình nhân đạo nghiêm trọng hiện nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) cảnh báo, cuộc chiến quy mô lớn và kéo dài tại Sudan nếu tiếp diễn có thể châm “ngòi nổ” xuyên biên giới, bởi tất cả bảy quốc gia giáp Sudan đều từng trải qua xung đột hoặc tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong 10 năm qua. Ông Guterres nhấn mạnh, rõ ràng cuộc xung đột tại Sudan không thể được giải quyết trên chiến trường và bằng mạng sống của những người vô tội.

Do đó, ba ưu tiên trước mắt của Liên hợp quốc và các đối tác là thúc đẩy một lệnh ngừng bắn bền vững với một cơ chế giám sát chặt chẽ, đưa các bên trở lại đàm phán chính trị, và nỗ lực hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Ông Guterres khẳng định: Liên hợp quốc sẽ làm việc không mệt mỏi để chấm dứt bạo lực và khôi phục hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn ở Sudan.