Theo AFP và Sputniknews, ngày 20/5, một nhóm tay súng không rõ danh tính đã tấn công Đại sứ quán Qatar tại Sudan.
Bộ Ngoại giao Qatar nêu rõ: "Nhà nước Qatar lên án mạnh mẽ việc các lực lượng vũ trang xông vào và phá hoại tòa nhà đại sứ quán của Qatar ở Khartoum. Các nhân viên đại sứ quán đã được sơ tán trước đó và... không có nhà ngoại giao hay nhân viên đại sứ quán nào bị thương."
Bộ Ngoại giao Qatar một lần nữa kêu gọi các bên ngừng ngay lập tức cuộc giao tranh ở Sudan, thực hiện sự kiềm chế tối đa... và tránh để dân thường phải gánh chịu hậu quả.
Qatar không nêu rõ lực lượng nào phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công trên nhưng một tuyên bố của chính quyền Sudan đã quy trách nhiệm cho nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).
Trong những tuần gần đây, đại sứ quán của các nước Jordan, Saudi Arabia, Kuwait, Oman và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị tấn công.
Vụ tấn công vào Đại sứ quán Qatar xảy ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Arab kêu gọi các bên đối đầu tại Sudan ngừng giao tranh tại hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab ở Saudi Arabia.
Sau vụ tấn công, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Nghị viện Arab và Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã lên án và phản đối vụ tấn công.
Trong một tuyên bố, GCC đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào đại sứ quán Qatar tại Sudan, đồng thời phản đối tất cả các hình thức bạo lực và phá hoại nhằm vào trụ sở của các cơ quan đại diện ngoại giao.
Tổng thư ký GCC, Jassem Albudaiwi, nhắc lại lời kêu gọi các bên tham gia xung đột tại Sudan nhanh chóng chấm dứt các hoạt động quân sự, kiềm chế tối đa, tránh leo thang bạo lực, tôn trọng các thỏa thuận quốc tế cũng như các chuẩn mực ngoại giao đảm bảo sự tôn nghiêm và an toàn cho trụ sở các cơ quan đại diện và nhân viên ngoại giao.
Ông Albudaiwi cũng kêu gọi các phe phái của Sudan tham gia nghiêm túc vào các cuộc đàm phán tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia, nhằm đạt được một giải pháp chính trị toàn diện để mang lại an ninh, ổn định và thịnh vượng cho đất nước và người dân Sudan.
Cùng ngày, Nghị viện Arab đã ra tuyên bố lên án vụ việc và nhấn mạnh sự cần thiết không được làm tổn hại đến các cơ quan đại diện ngoại giao cũng như đảm bảo ninh cho các nhân viên ngoại giao, đồng thời kêu gọi tất cả các bên của Sudan thực thi nghiêm túc và ngay lập tức lệnh ngừng bắn và quay trở lại đối thoại chính trị.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng bày tỏ sự phản đối hoàn toàn đối với mọi hình thức bạo lực và phá hoại nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao.
Saudi Arabia kêu gọi tất cả các bên ở Sudan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, phù hợp với kết quả của các cuộc đàm phán gần đây giữa hai bên tại thành phố Jeddah và tham gia vào lộ trình chính trị nhằm đạt được một giải pháp công bằng và toàn diện cho khủng hoảng ở Sudan.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi cùng ngày, Đại sứ quán Qatar tại Sudan đã bị tấn công bởi các tay súng không rõ danh tính. Đây không phải là lần đầu tiên một cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Sudan bị nhắm mục tiêu.