Chiều 7/12, tại Hà Nội, tiếp tục chương trình Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo trong nước và khu vực đã chia sẻ thực tiễn, kinh nghiệm về quản trị tòa soạn số ở các quốc gia trong khu vực, đồng thời thảo luận các giải pháp nhằm tối ưu hóa quản trị tòa soạn số.
Ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn
Tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN", nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhận định: “Ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất thông tin, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản và phân phối nội dung” - đó là hướng đi mà hầu hết các cơ quan báo chí đã và đang xây dựng nhằm tạo nên một tòa soạn đa phương tiện hội tụ những giá trị của công nghệ, kỹ năng và thích ứng để mang lại những giá trị đột phá cho công chúng.
Ban điều hành phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp quản trị tòa soạn báo chí số ở khu vực ASEAN", chiều 7/12. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Về quản trị tòa soạn số, để các cơ quan báo chí bắt kịp với xu hướng của kỹ thuật số, các tòa soạn cần xây dựng một hạ tầng kỹ thuật và hệ thống quản trị nội dung (CMS) đủ mạnh để công nghệ số phát huy hiệu quả phục vụ báo chí, giúp những người làm báo trong thời đại công nghệ số giảm bớt những công việc lặp đi lặp lại mà tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn - Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đánh giá đúng mức quan trọng của chuyển đổi số, từ hơn 10 năm trước, trong sản xuất, khai thác thông tin, TTXVN đã đẩy mạnh việc xây dựng kho dữ liệu số hóa, ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin, bài, dễ dàng tác nghiệp từ xa hay đầu tư sản xuất các loại hình đa phương tiện.
Đặc biệt, TTXVN chú trọng chiến lược Mobile First. Để nắm bắt xu hướng này, một số báo điện tử của TTXVN như VietnamPlus đã trình làng MiniApp trên nền tảng Zalo cùng bản Progressive WebApp, cho phép người dùng vào thẳng trang VietnamPlus trên phiên bản mobile bằng lối tắt thông qua icon trên màn hình điện thoại Android, thay vì phải vào trình duyệt. Đây là những bước đi nằm trong chiến lược ưu tiên cho thiết bị di động của báo điện tử nhằm tạo thuận lợi cho người dùng cũng như tăng cường khả năng tiếp cận công chúng một cách rộng rãi hơn.
Trong phần tham luận của mình, bà Hoàng Minh Nga - Trưởng phòng Quốc tế, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, TTXVN trình bày tham luận “Trung tâm truyền hình thông tấn: Dấu ấn chuyển đổi số”.
Bà Hoàng Minh Nga - Trưởng phòng Quốc tế, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, TTXVN. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Qua phần trình bày, bà Nga mô tả chi tiết quy trình sản xuất của hệ thống MAM - Media Access Management, là hệ thống quản lý media trong các đài truyền hình và các đơn vị sản xuất theo nghĩa hẹp. Tuy nhiên, do toàn bộ hoạt động ở đài truyền hình ít nhiều đều gắn với media nên với nghĩa mở rộng, MAM có thể được coi như là trung tâm của một hệ thống quản lý.
Sau thời gian khai thác, hệ thống MAM đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó so với các phần mềm khác đã được sử dụng ở đơn vị. Việc quản lý thông tin trên hệ thống theo mô hình khép kín từ tiền kỳ, hậu kỳ đến phát sóng. Sự khác biệt lớn nhất là mức độ bao sân của phần mềm. Không chỉ dừng lại ở một phần mềm quản lý media thông thường, hệ thống MAM đã mở rộng ra cho phép quản lý toàn bộ các công việc liên quan tới media.
Với việc sử dụng “duy nhất một cơ sở dữ liệu” cho toàn bộ quy trình sản xuất thông tin khép kín, Truyền hình Thông tấn đã giảm tối đa chi phí sản xuất, tiết kiệm nhân lực, công khai, minh bạch và khẳng định là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào sản xuất phát thanh truyền hình tại Việt Nam.
Trình bày tại hội thảo, PGS, TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng cần phải tính toán tới giải pháp xây dựng tòa soạn số từ góc nhìn công nghệ.
PGS, TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Cụ thể, ông Diệu nêu quan điểm, trong bối cảnh của cuộc cách mạng số, vấn đề tổ chức và quản lý hoạt động báo chí truyền thông đang trở thành vấn đề quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan báo chí. Một trong những khía cạnh quan trọng của hoạt động này là tổ chức và quản trị tòa soạn. Dưới tác động của công nghệ số, mô hình quản trị tòa soạn đã và đang thay đổi từ việc tổ chức sản xuất sản phẩm đến việc quản trị tòa soạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của của công chúng.
Nêu thực trạng mô hình quản trị tòa soạn ở Việt Nam hiện nay, ông Diệu nhấn mạnh: Để xây dựng mô hình tòa soạn số, chúng ta cần hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí. Quá trình chuyển đổi số cơ quan báo chí thường được thực hiện thông qua 3 giai đoạn: Giai đoạn số hóa, giai đoạn tin học hóa và giai đoạn chuyển đổi số.
“Các cơ quan báo chí Việt Nam đã chuyển đổi rất nhanh khi Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan báo chí truyền thông ở Việt Nam đã chuyển đổi sang môi trường số, số hóa các dữ liệu và tin học hóa các hoạt động”, ông Diệu nói.
Tối ưu hóa hệ sinh thái báo chí số ở các cơ quan báo chí
Diễn giả cũng gợi ý, để thực hiện xây dựng mô hình tòa soạn số, một cơ quan báo chí truyền thông cần bảo đảm thực hiện tốt các yếu tố: Xây dựng văn hóa và chiến lược số; gắn kết độc giả; chuyển đổi và thay đổi và cải tiến quy trình; công nghệ và phân tích và quản lý dữ liệu. Trong đó, mỗi cơ quan báo chí cần xây dựng được môi trường văn hóa và xây dựng chiến lược số cho từng hoạt động của đơn vị, từ khâu quản lý tòa soạn đến khâu sản xuất sản phẩm và phát hành, xuất bản.
Ngoài ra, trong bối cảnh mới, việc gắn kết độc giả của một cơ quan báo chí cần được quan tâm hơn khi nào hết, đặc biệt trong bối cảnh “công chúng là trọng tâm - audience first”.
Một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của tòa soạn số là yếu tố công nghệ. Công nghệ trong bối cảnh này là sự lựa chọn phù hợp cho từng cơ quan báo chí thay vì chạy đua với công nghệ để xây dựng một tòa soạn đồ sộ với đầy đủ các thiết bị. Công nghệ tốt nhất là công nghệ thích ứng tốt nhất với sự phát triển của tòa soạn.
Ông Diệu cũng đưa ra các gợi mở để xây dựng thành công mô hình tòa soạn số, trong đó nhấn mạnh yếu tố đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện; ứng dụng trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn; phát triển nội dung số; tổ chức tòa soạn theo hướng hội tụ công nghệ và nội dung và xây dựng tòa soạn số. Đặc biệt, diễn giả cho rằng cần cá nhân hóa và tùy biến sản phẩm báo chí truyền thông theo nhu cầu của công chúng.
Cần cơ chế quản lý hiệu quả hơn với các mạng xã hội
Bà Mohamad Najiy Bin Muhammad Jefri, Thư ký Hiệp hội Các nhà báo Malaysia. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Chia sẻ về vai trò và điều kiện chuyển đổi từ tòa soạn biên tập truyền thống sang mô hình tòa soạn số hội tụ, bà Mohamad Najiy Bin Muhammad Jefri, Thư ký Hiệp hội Các nhà báo Malaysia cho biết, sự xuất hiện của Internet, xuất bản số và truyền thông xã hội đã tạo ra một sân chơi mới, đặt các cơ quan báo chí trước 2 lựa chọn: Theo kịp hoặc mất độc giả. “Chúng tôi không thể để mất độc giả của mình, vì vậy chúng tôi đã nỗ lực và chuyển đổi”, bà Muhammad Jefri nói.
Theo bà Jefri, việc xây dựng mô hình tòa soạn số đang mang lại rất nhiều cơ hội trong bối cảnh lượng độc giả báo in có xu hướng giảm, lượng khán giả xem truyền hình nhìn chung ổn định nhưng ngày càng già đi, còn thời lượng dành cho phương tiện truyền thông kỹ thuật số tăng lên nhanh chóng.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của phương tiện truyền thông di động, mạng xã hội ngày càng thể hiện vai trò là nguồn tin tức quan trọng khi ngày càng có nhiều người xem tin tức trên các nền tảng này.
Đại diện Hiệp hội Các nhà báo Malaysia nhận định, việc phân phối nội dung qua nền tảng của bên thứ 3 như công cụ tìm kiếm và mạng xã hội rõ ràng đang trở nên phổ biến và quan trọng hơn.
Dữ liệu và công nghệ đã thẩm thấu vào mọi khía cạnh của doanh nghiệp, nhưng bà Jefri cho rằng, vấn đề không chỉ là về sự sẵn có của dữ liệu thô, mà sự chuyển đổi đáng chú ý còn nằm ở việc đánh giá dữ liệu và hành động theo sau nó.
Theo bà Jefri, các tòa soạn ngày nay sẽ chỉ hoạt động hiệu quả nếu sẵn sàng chuyển đổi thành trung tâm kỹ thuật số; tuy nhiên cần phải biết nội dung nào đặt ở đâu và khi nào để đạt hiệu quả cao nhất.
“Để đáp ứng nhu cầu của độc giả và duy trì môi trường làm việc thân thiện tại tòa soạn thì cần phải có một chiến lược khả thi và tạo lập một môi trường mà trong tương lai, các phương tiện truyền thông tổng hợp cũng như trí tuệ nhân tạo và máy học có thể phát triển mạnh”, Thư ký Hiệp hội Các nhà báo Malaysia nhấn mạnh.
Ông Aditta Kittikhoun, Hội Nhà báo Lào. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Ông Aditta Kittikhoun, Hội Nhà báo Lào trình bày tham luận: “Từ in ấn đến Pixels: cuộc cách mạng truyền thông tại Lào”. Qua đó, ông chia sẻ nét truyền thống của báo chí Lào như từ năm 1930, Lào có tờ báo đầu tiên và trải qua thời gian phát triển, đến nay, người dân của Lào đã phần lớn chuyển qua sử dụng mạng xã hội với sự áp đảo của Facebook và sự thâm nhập của thiết bị di động. Mạng xã hội được coi là trải nghiệm Internet đầu tiên của người Lào và hơn 85% dân số Lào đã có thể tiếp cận internet.
Chính phủ Lào nhận thức mạng xã hội là trung tâm để phân phối thông tin hiệu quả. “Chúng tôi thấy được sự ảnh hưởng gia tăng của công ty mạng xã hội trong hệ sinh thái truyền thông ở không chỉ Lào mà còn nhiều quốc gia khác”.
Chính phủ Lào nhận thức mạng xã hội là trung tâm để phân phối thông tin hiệu quả.
Năm 2013, Lào có sự xuất hiện của ngành báo chí dân sự khi mà mọi người đều có tiếng nói chia sẻ thông qua mạng xã hội. Điều này tạo thêm kênh cung cấp thông tin đại chúng với sự tham gia của mọi người dân. Tuy nhiên, tạo ra thách thức khi thông tin khó có thể kiểm chứng khi phần lớn người dùng vẫn là giới trẻ.
Quá trình chuyển giao từ báo chí truyền thống lên trực tuyến thông qua các website và sau đó là mạng xã hội - tạo ra những cơ hội và thách thức nhất định. Thách thức như mạng xã hội nắm quá nhiều quyền kiểm soát, từ là kênh phân phối cho tới đối thủ cạnh tranh của các công ty truyền thông khác; trùng lặp nội dung và giảm sự phát triển của các websites. Trong khi đó, cơ hội là tạo ra hình thức truyền thông mới tiếp cận nhiều người hơn, tạo sự trao đổi mạnh mẽ hơn.
Ông Aditta Kittikhoun cũng đưa ra khuyến nghị nhằm xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh: Các Chính phủ, liên hiệp báo chí cần hỗ trợ những cơ chế quản lý hiệu quả hơn với các mạng xã hội, các hãng truyền thông cần đầu tư công nghệ mới như AI, cân nhắc mô hình kinh doanh mới nhằm đạt sự tin cậy của khách hàng, sử dụng nền tảng mới như Tiktok, đa dạng hóa các kênh cung cấp thông tin. Cùng với đó, người dân cần tư duy phản biện nhưng mang tính xây dựng với các công ty truyền thông.
Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Từ thực tiễn quản trị tòa soạn số ở Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết, Báo Quân đội nhân dân điện tử đang chuyển đổi số dựa trên 3 nền tảng gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng phân tích thông tin, dư luận mạng xã hội; nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin.
Để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin báo chí đến bạn đọc, hiện nay, báo đang khai thác trên các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Tiktok, Facebook...) và coi đây là một trong đối thủ cạnh tranh quan trọng.
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Hải, cũng như các cơ quan báo chí khác, Báo Quân đội nhân dân đang phải cạnh tranh thông tin khốc liệt với mạng xã hội. Môi trường cạnh tranh của Báo Quân đội nhân ban đầu gói gọn trong lĩnh vực báo chí, với những tờ chính luận như: Nhân Dân, TTXVN, Công an nhân dân, VOV...
Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội bùng nổ như hiện nay, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok... đều là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của báo chí, về cả tốc độ sản xuất, đăng tải nội dung, mức độ phổ biến, tương tác đến khả năng lôi cuốn và hấp dẫn độc giả.
Báo chí ASEAN: Đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới xây dựng mô hình tòa soạn số
Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh, trong bối cảnh người dùng bị chi phối bởi thông tin khó xác tín từ các nền tảng truyền thông xã hội, Báo Quân đội nhân dân đang hướng đến những bài viết sâu toàn cảnh, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, với cách trình bày hướng nhiều tới trực quan, đa phương tiện, tương tác và cá nhân hóa.
Mặt khác, các thông tin ngách lại cần đầu tư để có được những tệp nội dung đáp ứng từng nhóm độc giả trung thành. Thông tin đại trà mà độc giả có thể đọc ở bất cứ đâu sẽ không phải là lợi thế của báo điện tử.
Trước thách thức cạnh tranh độc giả từ các nền tảng mạng xã hội, Đại tá Nguyễn Hồng Hải cho biết, Báo Quân đội nhân dân điện tử đã thực hiện giải pháp cơ bản mà rất nhiều đơn vị báo chí khác tại Việt Nam đã làm trong những năm gần đây, đó là đưa nội dung lên nhiều nền tảng khác nhau, hay nói cách khác, hợp tác với đối thủ, tranh thủ ưu thế về người dùng của các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh lan tỏa thông tin, tạo ra hệ sinh thái cho website qdnd.vn.
Đồng thời, trong mối quan hệ cộng sinh này, ưu thế của báo chí là năng lực sản xuất nội dung và tính chính thống của thông tin càng phải được đẩy mạnh, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh.
Giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số
Các nhà báo, diễn giả tham dự Tọa đàm với chủ đề: “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN” trong khuôn khổ phiên thảo luận chiều 7/12. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, diễn ra Tọa đàm với chủ đề: “Vấn đề đặt ra và giải pháp tối ưu hoá quản trị tòa soạn số ở các quốc gia ASEAN”. Trong phiên tọa đàm, ông Chavarong Limpattamapanee, Chủ tịch Hội đồng Báo chí quốc gia Thái Lan, Cố vấn cấp cao Liên đoàn Các nhà báo Thái Lan, Quản lý Trung tâm Dữ liệu Báo Thairath Daily đã chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, xây dựng tòa soạn số ở Báo Thairath Daily.
Ông Chavarong cho biết, thời gian đầu, Thairath Daily cũng chỉ thực hiện số hóa thông tin bằng cách lấy thông tin từ các ấn phẩm báo in đưa lên website. Tuy nhiên sau đó, ngày càng nhiều người theo dõi tin tức trên các trang mạng, và Thairath Daily nhận ra sự khác biệt giữa những người đọc tin trên mạng và các độc giả báo giấy.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy những độc giả theo dõi tin tức trên mạng không phải muốn “nhai lại” những tin tức trên báo giấy mà muốn đọc những gì đó mới. Do đó, chúng tôi đã không đưa nguyên nội dung báo giấy lên website của mình mà bóc tách, chọn lọc, chỉ đưa những điểm chính phù hợp với những người đọc tin trên mạng”, ông Chavarong nói.
Đề cập đến cách thức xác định độc giả phù hợp với loại hình báo chí nào, ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và công nghệ OSB nhấn mạnh hoàn toàn có thể dựa trên áp dụng công nghệ, phân tích dữ liệu độc giả để tìm ra ai là độc giả của nhóm sản phẩm nào.
[Ảnh] Toàn cảnh phiên thảo luận “Lý luận chung về quản trị tòa soạn số”
Ông Sơn nhấn mạnh 2 phương án mà các tòa soạn báo chí có thể áp dụng, thứ nhất là dựa trên truyền thống đối tượng độc giả của mình, thứ 2 là dựa trên các công nghệ để thu thập thông tin và tiến hành thử nghiệm, từ đó có được dữ liệu phản hồi từ độc giả để phân tích, điều chỉnh.
Về đầu tư công nghệ trong các tòa soạn, nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam đặt vấn đề: Việc mua mới công nghệ là không dễ dàng với quy mô các tòa soạn nhỏ, tuy nhiên nếu cải thiện dần dần có thể gây tốn kém hơn vì phải lồng ghép nhiều hơn. Việc mua mới đối mặt với vấn đề không mới, đó là công nghệ có thể sẽ lạc hậu rất nhanh.
Về vấn đề này, ông Chavarong cho biết, ban đầu Thairath Daily cũng chỉ có tòa soạn nhỏ, sau đó dần dần mở rộng ra. Đặc biệt sau khi mạng xã hội trở nên phổ biến, cơ quan này đã sử dụng mạng xã hội để phân phối thông tin đồng thời cũng để thu thập thông tin.
Theo Chủ tịch Hội đồng Báo chí quốc gia Thái Lan, phần lớn các tòa soạn ở Thái Lan đều chọn phương án “cơi nới” dần dần, khi nào có điều kiện thì đắp thêm. “Chúng tôi có hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ toàn cầu, nhưng đôi lúc cũng có những xung đột nhất định. Các tòa soạn ở Thái Lan đã hợp lại để hình thành một cộng đồng, một liên hiệp báo chí để có thể thương lượng với các cộng đồng khác trên thế giới”, ông Chavarong nói.
Bà Kanokporn Prasitphon, Giám đốc Truyền thông số - Dịch vụ Truyền hình công cộng Thái Lan. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Chia sẻ thêm về ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số, bà Kanokporn Prasitphon, Giám đốc Truyền thông số - Dịch vụ Truyền hình công cộng Thái Lan cho biết, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay khá phổ biến trong các cơ quan báo chí ở Thái Lan.
Nhiều đơn vị đã tận dụng AI để phát triển các nội dung cũng như phục vụ tương tác với độc giả, chẳng hạn như tích hợp chatbot với các nền tảng nhắn tin như Messenger để có thể tự động trả lời câu hỏi của người đọc, ghi nhận ý kiến đóng góp của độc giả. Bên cạnh đó là sử dụng phần mềm text-to-speech (biến văn bản thành lời nói) để đáp ứng nhu cầu của độc giả thích nghe tin. Một công nghệ khác là gợi ý thông minh, tích hợp vào trang web để gợi ý thông tin có liên quan mà người đọc có thể quan tâm.
Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ thách thức chung để nắm bắt công nghệ nhanh chóng hơn, sử dụng các ứng dụng nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nội dung.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Các chuyên gia nhận định, bản chất chuyển đổi số là con người. Đại diện Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV), nhà báo Ngô Trần Thịnh nêu yếu tố con người, mà trong đó, sự hài hòa trong đội ngũ làm việc giữa những nhân sự lâu năm, nhiều kinh nghiệm với đội ngũ trẻ nhưng rất năng động và hiểu biết công nghệ. Để đạt hiệu quả, các nhân sự cần trải qua quy trình trở thành những “phóng viên thế hệ mới” - với sự kết hợp của 2 đội ngũ, hỗ trợ nhau trong quá trình chuyển đổi số.
Nhà báo, PSG, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Xét từ góc độ khoa học, mô hình chuyển đổi cần làm rõ nhận thức về ý nghĩa, mục đích và tính chiến lược để có bước chuyển mình đạt hiệu quả nhất”.
Ngoài ra, công chúng báo chí đang thay đổi nhanh chóng khi sử dụng Internet. Cơ chế thu tiền từ bạn đọc báo chí chuyển đổi số chưa được áp dụng nhiều, báo chí như vậy còn chưa có nguồn thu. Qua đó tạo ra thách thức, nguồn vốn phần lớn sử dụng ngân sách nhà nước nên còn nhiều hạn chế về thủ tục.
Tại tọa đàm, các đại biểu quốc tế cũng đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết bài toán tạo nguồn thu cho báo chí.
Nhiều bài học giá trị được rút ra
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu kết luận hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Phát biểu kết luận hội thảo, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, những ý kiến trình bày tại hội thảo đã cung cấp nhiều kinh nghiệm quý, gợi ý hay cho các cơ quan báo chí các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để nghiên cứu, học hỏi, lựa chọn mô hình tòa soạn số, phương thức quản trị tòa soạn số cho phù hợp với thực trạng, điều kiện và nguồn lực đối với từng loại tòa soạn, từng cơ quan báo chí ở từng quốc gia.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Các quốc gia trên toàn thế giới đang đối mặt với vô số cơ hội và thách thức khi chuyển đổi kỹ thuật số đã định hình lại mọi hoạt động của đời sống xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và thói quen làm việc hàng ngày.
Trong bối cảnh đó, báo chí truyền thông không thể đứng ngoài cuộc; chuyển đổi số của báo chí và phương tiện truyền thông là vấn đề sống còn, là điều cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan báo chí, các tổ chức truyền thông và người làm báo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số báo chí trong khu vực vẫn là vấn đề nguồn lực.
Các đại biểu, nhà báo tham dự hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Bên cạnh đó, một tòa soạn số được xây dựng và quản trị tốt sẽ là điều kiện để tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức và những vấn đề mà báo chí ASEAN phải đối mặt như: Sự thống nhất về nhận thức, tính chiến lược và việc xác định rõ mục tiêu, phương thức, điều kiện, lộ trình chuyển đổi số, mô hình tòa soạn số thích hợp, nguyên tắc, quy trình quản trị nội dung, quản lý dữ liệu, quản lý và phát triển công chúng số, phân phối trên các nền tảng, vấn đề bản quyền báo chí số, sự thiếu hụt và thiếu đồng bộ về nhân lực, nền tảng kỹ thuật, công nghệ và các điều kiện về tài chính và quản trị tài chính.
Song song, vấn đề tài lực cũng là thách thức rất lớn, khi chuyển đổi số đòi hỏi phải có kinh phí, có tài chính nhưng không phải cơ quan báo chí nào trong ASEAN cũng đáp ứng được điều kiện đó.
Để xây dựng báo chí ASEAN trở thành khối thống nhất cần có sự liên kết giữa 3 trụ cột, trụ cột về an ninh-chính trị, kinh tế và văn hoá. Trong đó, việc tổ chức các hội thảo báo chí của các nước ASEAN sẽ góp phần xây dựng 3 trụ cột này, đặc biệt là trụ cột văn hoá và báo chí.