Xin điểm ra một vài con số về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm hiện tại của thành phố như sau: 101 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng có tỷ lệ giải ngân bằng 0; số 0 cũng là kết quả giải ngân tại ba quận (3, 5, 6); 14/21 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 50%; 65/155 dự án được giao vốn nhưng chưa phê duyệt giá đất; tình trạng dự án đội vốn, cầu chờ đường, đường chờ cầu vẫn tiếp diễn vì lý do muôn thuở là không giải phóng được mặt bằng…
Tránh bài học của năm 2022, ngay từ đầu năm 2023, các cơ quan từ Thành ủy, Hội đồng nhân dân đến Ủy ban nhân dân thành phố đều quyết liệt chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là động lực để ngăn đà suy giảm, phục hồi kinh tế. Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã lập 13 tổ công tác giám sát, đôn đốc 38 dự án trọng điểm, Hội đồng nhân dân thành phố cũng giám sát chuyên đề về đầu tư công.
Bình quân, cứ một đến hai tháng, Ủy ban nhân dân thành phố lại có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở, đôn đốc nhưng chuyển biến trên công trường và tỷ lệ giải ngân ở kho bạc chưa tương xứng.
Quyết liệt hơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã khen thưởng những đơn vị làm tốt, phê bình 25 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp; đưa ra tinh thần kiên quyết xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; coi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là một tiêu chí quan trọng để đánh giá thi đua của tập thể, cá nhân người đứng đầu đơn vị cuối năm...
Thế nhưng, tỷ lệ giải ngân tại thành phố vẫn thấp?
Nhìn tổng thể bức tranh giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây có thể nhận thấy, để giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc vào năng lực quản lý, năng lực triển khai của người có trách nhiệm, của cả bộ máy công quyền thành phố.
Việc có tiền không tiêu được không hẳn do chính sách vướng mà chủ yếu do thực thi dẫn tới tiền chậm đưa vào nền kinh tế, làm hạn chế tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, đơn giản hóa thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán là khâu then chốt nhất, đây cũng là điểm vướng mắc nhất của các dự án trên địa bàn thành phố.
Chuyển biến từ giải ngân vốn đầu tư công
Từ đầu năm đến nay, với tinh thần làm việc cả ngày lẫn đêm, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Thành phố Hồ Chí Minh đã họp liên tục với các sở, ngành để thúc đẩy, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. 25 đơn vị chậm trễ trong giải ngân cũng đã bị phê bình.
Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Đã đến lúc, thành phố cần động thái quyết liệt hơn trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu các dự án, các sở ngành, quận, huyện khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt. Các tổ công tác đã được Ủy ban nhân dân thành phố thành lập nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng phải có chế tài nghiêm minh để xử lý, tránh tình trạng phê bình, khiển trách chung chung.
Ngoài khơi gợi tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ thì ngay lúc này, vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn thành phố cần được thể hiện. Thông qua việc giám sát, các tổ chức đảng sẽ kịp thời phát hiện đơn vị, cá nhân nào chưa làm hết trách nhiệm, chưa nỗ lực cố gắng tháo gỡ các vướng mắc trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chỉ khi toàn hệ thống chính trị, chủ đầu tư các dự án thấy rõ trách nhiệm của mình, vào cuộc một cách quyết liệt trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì những vướng mắc hiện nay tại các dự án có vốn đầu tư công mới được vận hành một cách trơn tru.