Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh biểu dương, khen ngợi những quận, huyện có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt; phê bình, hạ thi đua những đơn vị có tỷ lệ vốn giải ngân thấp cho thấy, sự nghiêm minh và quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) là một trong những dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sắp hoàn thành. (Ảnh Thế Anh)
Cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) là một trong những dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sắp hoàn thành. (Ảnh Thế Anh)

Điểm sáng Gò Vấp

Quận Gò Vấp là điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng và được đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi. Trong thư khen, đồng chí Phan Văn Mãi biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn của người dân, tất cả vì mục tiêu sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, từng bước thay đổi diện mạo đô thị thành phố và quận.

Ðáp lại sự ghi nhận của lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp cũng đã gửi quyết tâm thư, bày tỏ cam kết của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân quận quyết tâm thực hiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Theo ông Dũng, dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến công viên văn hóa Gò Vấp) có chiều dài toàn tuyến là 2.455 m, đi qua địa bàn các phường 5, 6 và 7 với tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng hơn 48.900 m2, trong đó: đất do Nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 14.674,72 m2; đất do chín tổ chức quản lý, sử dụng khoảng 4.966,27 m2 và ba lô-cốt quân sự. Theo đó, có 426 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó 367 trường hợp giải tỏa một phần, 56 trường hợp giải tỏa toàn bộ và ba lô-cốt.

Ðể triển khai dự án, ngay từ đầu năm 2023, quận Gò Vấp đã khẩn trương phối hợp chủ đầu tư đẩy nhanh công tác bồi thường. Ðến ngày 24/7, địa phương bắt đầu trao quyết định thu hồi đất và chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Tính đến giữa tháng 8/2023, quận đã chi tiền bồi thường, hỗ trợ cho 241 trong số 425 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, với số tiền hơn 735 tỷ đồng (đạt tỷ lệ giải ngân 42% số vốn bồi thường của dự án), trong đó có 21 hộ đã bàn giao mặt bằng. Quận Gò Vấp quyết tâm đến hết tháng 8/2023, bàn giao mặt bằng đợt 1; đến tháng 12/2024, hoàn tất công tác bồi thường và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện công tác xây lắp.

Ngoài dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp cũng tập trung công tác bồi thường dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên và dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật).

Ðây là những dự án trọng điểm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông, cải tạo môi trường, góp phần chỉnh trang đô thị, phục vụ tốt việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế-xã hội của quận. Quận Gò Vấp cam kết sẽ bàn giao mặt bằng dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên trước tháng 12/2023 và dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm trước tháng 8/2024.

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư mới đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu năm 2023, thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án được giao vốn. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 13 Tổ công tác để giám sát tiến độ 38 dự án lớn, quan trọng với số vốn bố trí là 49.694 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70% tổng kế hoạch vốn năm 2023 được giao. Ðến nay, thành phố đã phân bổ chi tiết 98% số vốn ngân sách trung ương được giao trong năm 2023 (14.996 tỷ đồng trong số 15.292 tỷ đồng) và cơ bản phân bổ toàn bộ số vốn ngân sách địa phương năm 2023 theo số giao của Thủ tướng Chính phủ (53.493 tỷ đồng).

Từ kết quả giải ngân quý I/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã phê bình 25 đơn vị chưa thực hiện công tác này như: Ủy ban nhân dân Quận 4, 7, 8, Tân Phú, Quận ủy Quận 1, Sở Tài nguyên và Môi trường… Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài những địa phương làm tốt, vẫn còn nhiều đơn vị chưa quyết liệt, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục thực hiện dự án đầu tư công.

Ðể đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Sở Kế hoạch và Ðầu tư sẽ rà soát, theo dõi tiến độ thực hiện đầu tư và giải ngân vốn của các dự án theo kế hoạch đã đề ra. Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và các Tổ công tác của thành phố kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án trong quá trình thực hiện; kiên quyết phê bình các đơn vị chủ đầu tư chậm thực hiện với các nguyên nhân chủ quan. Tổ chức họp giao ban đầu tư công sáu tháng đầu năm 2023; phân tích, đánh giá, xếp loại thi đua các chủ tịch quận, huyện, thành phố Thủ Ðức, giám đốc các sở, ban, ngành liên quan đến kết quả triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023. Ðồng thời, đề nghị thủ trưởng các đơn vị làm chủ đầu tư làm rõ nguyên nhân chủ quan để tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nội vụ để làm cơ sở đánh giá kết quả thi đua quý II/2023. Ðối với các dự án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc thì theo dõi, đeo bám, đề xuất các giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể.

Trong tháng 7, thành phố sẽ tập trung rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư dự án để bảo đảm tiến độ thực hiện; chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư đúng theo kế hoạch, phát huy vai trò Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng… Ðồng thời, thành phố cũng sẽ nỗ lực tối đa để bắt kịp kế hoạch giải ngân đầu tư công trong quý III là 55% cũng như bảo đảm về đích năm 2023 với tỷ lệ 95%.