Theo báo cáo của Bộ Tài chính, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2023 ước đạt khoảng 363,31 nghìn tỷ đồng, bằng 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%) và cao hơn 110 nghìn tỷ đồng về con số tuyệt đối. Trong cả nước, có tám bộ, ngành và 27 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân hơn 55% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn 42 bộ, ngành và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đánh giá hoạt động giải ngân vốn đầu tư công chín tháng năm 2023 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là từ đầu quý II. Kết quả này có tác dụng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, đồng thời mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Chưa năm nào giải ngân vốn đầu tư công chín tháng vượt tỷ lệ 50% kế hoạch cả năm, cho nên kết quả giải ngân chín tháng năm nay rất tích cực. Hơn nữa, số tiền tuyệt đối giải ngân cao hơn cùng kỳ 110 nghìn tỷ đồng là con số rất lớn.
Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương
Kết quả tích cực này có được là do các bộ, ngành và địa phương đã chủ động tập trung triển khai phân giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã giao từng đầu việc cụ thể cho các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chịu trách nhiệm tiến độ cam kết, có tác dụng thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công từ sớm, từ xa...
Ðáng lưu ý, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án ngay từ các tháng đầu năm. Ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 235/QÐ-TTg thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương.
Ngay sau khi thành lập, các Tổ công tác đã chủ trì, tổ chức nhiều cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương theo phạm vi theo dõi; giải đáp, hướng dẫn phương án xử lý đối với các nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền hoặc ghi nhận để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các thành viên Chính phủ đã tổ chức làm việc tại các địa phương theo Quyết định số 435/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kiểm tra thực tế việc thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn. Một trong những điểm sáng của đầu tư công được ghi nhận là đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng cấp quốc gia có tính liên vùng, tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy các cực tăng trưởng.
Ðến nay, cả nước đã đưa vào sử dụng 8/11 đoạn tuyến đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 1. Ðồng thời khởi công hàng loạt dự án lớn như 12 dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025; khởi công ba đường cao tốc trục đông-tây; các tuyến đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4 Hà Nội, nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất…
Giải ngân đầu tư công tăng tích cực đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay. Nếu so sánh số tuyệt đối, giải ngân đầu tư công chín tháng tăng ròng hơn 80 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ, là con số đáng ghi nhận.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Theo đánh giá của Viện Ðào tạo và Nghiên cứu BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.
Trong bối cảnh kinh tế trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn, diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục khó lường, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, đầu tư công sẽ trở thành động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Theo thông lệ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công luôn được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm, kỳ vọng cả năm 2023 sẽ giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn như mục tiêu đề ra tại Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, với tổng vốn đầu tư công của năm 2023 lên đến hơn 700 nghìn tỷ đồng, áp lực giải ngân trong quý IV rất lớn vì còn gần 40%, tương đương khoảng 340 nghìn tỷ đồng. Yêu cầu đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương là cần tập trung quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng tốc giải ngân vốn. Ðối với các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, áp lực “tiêu tiền” đầu tư công trong tháng cuối cùng của năm càng gia tăng.
Không chỉ là đôn đốc công việc định kỳ hằng tháng, trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư công tại tám địa phương thuộc địa bàn phụ trách của Tổ công tác số 5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Ðức Phớc đề nghị các địa phương phải bám sát tiến độ từng dự án cụ thể theo tuần mới có thể đạt được mục tiêu Chính phủ giao. Ðồng thời thực hiện nghiêm việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phân bổ hết 100% kế hoạch vốn.
Từ góc nhìn chuyên gia, TS Vũ Ðình Ánh cho rằng, quyết tâm giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn đầu tư công chỉ trở thành hiện thực khi xử lý rốt ráo những rào cản về quy định pháp lý, quy trình và thủ tục đầu tư, giá nguyên vật liệu, công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng, trách nhiệm người đứng đầu.
Hiện nay, các quy định pháp lý liên quan đến Luật Ðầu tư công và các luật liên quan khác tuy đã được bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ. Ðiều này khiến quá trình triển khai dự án vẫn lúng túng và gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, rào cản đầu tiên cần tháo gỡ là về thể chế pháp luật nhằm khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động mạnh, cần có cơ chế điều chỉnh giá phù hợp vì nhiều nhà thầu đề nghị điều chỉnh giá so với giá hợp đồng trúng thầu nhưng chủ đầu tư phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, dẫn đến việc triển khai dự án bị gián đoạn, thậm chí phải dừng thi công.
Trước tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất tốt nhưng một số nơi triển khai ì ạch, TS Vũ Ðình Ánh cho rằng có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm và quyết tâm không cao của người đứng đầu và một bộ phận công chức liên quan. Do đó, cần quy trách nhiệm rõ ràng cho các tập thể, cá nhân liên quan, không để diễn ra tình trạng né tránh, đùn đẩy, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương và của cả nước.
Ðể tăng tốc giải ngân vốn đầu tư trong ba tháng cuối năm, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng ở các lĩnh vực gồm: đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản. Ðây là giải pháp rất quan trọng vì chỉ một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.
Bà PHÍ THỊ HƯƠNG NGA
Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê