Giai đoạn 2016-2020: Dấu ấn tích cực về chính sách lao động, an sinh xã hội

NDO -

Giai đoạn 2016-2020, sức lan tỏa từ phong trào thi đua yêu nước của ngành lao động, thương binh và xã hội đã thể hiện qua những kết quả tích cực trong nhiều chương trình kinh tế, xã hội quan trọng. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể Vụ Bảo hiểm xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể Vụ Bảo hiểm xã hội.

Thực hiện tốt các chương trình kinh tế, xã hội quan trọng

Ngày 17-11, Đại hội Thi đua yêu nước ngành lao động, thương binh và xã hội lần thứ V khai mạc tại Hà Nội. Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Trong lời khai mạc tại Đại hội, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Đào Ngọc Dung cho hay, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, thời gian qua, Bộ  LĐ-TB và XH đã triển khai có hiệu quả bốn phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” trong ngành LĐ-TB và XH.

Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua đã thu hút sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành. Nhờ đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về LĐ, người có công (NCC) và XH của cơ quan này được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ xây dựng trình và thông qua được nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực của ngành. Chỉ tính riêng năm 2019, Bộ đã hoàn thành và trình 20 đề án bảo đảm đúng tiến độ.

Từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều đơn vị, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực như: Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Cạn, Lai Châu... đã thực hiện chương tốt trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Hà Nội, Cần Thơ... về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Bắc Giang, Quảng Ngãi... về lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Thọ, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang... về thực hiện tốt và đổi mới công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện. Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai... thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động. Yên Bái, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Tháp... có nhiều kết quả trong đào tạo nghề, tạo việc làm. 

Đi đầu trong việc thực hiện đúng chính sách, giải quyết nhanh hồ sơ tồn đọng, tổ chức tốt các phong trào xây dựng quỹ đền ơn, đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương - bệnh binh nặng, làm nhà tình nghĩa, tôn tạo, chăm sóc phần mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận.

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB và XH đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề nghị Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gói hỗ trợ an sinh xã hội với hơn 62.000 tỷ đồng.

Những đóng góp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên từng vị trí công tác được ghi nhận tôn vinh đã tạo nên sức lan tỏa của phong trào thi đua yêu nước của ngành, thể hiện qua kết quả các chương trình kinh tế, xã hội quan trọng.

Cụ thể như: Mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động; giáo dục nghề nghiệp cho hơn 1,8 triệu người; đưa khoảng hơn 120 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 100,6% chỉ tiêu kế hoạch. 

Trong 5 năm qua, cả nước đã đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn, đáp nghĩa gần 1.500 tỷ đồng, xây mới hơn 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà của các đối tượng xã hội; tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội với hình thức hỗ trợ thích hợp.

Ở lĩnh vực NCC với cách mạng, các chính sách tiếp tục được hoàn thiện, mở rộng về đối tượng thụ hưởng, nâng cao mức trợ cấp NCC, nhiều đề án mới về NCC được xây dựng và tổ chức thực hiện như: Đề án hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở; đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, giải quyết hồ sơ tồn đọng. Công tác trợ cấp thường xuyên được thực hiện kịp thời, đầy đủ cho gần 1,5 triệu NCC với cách mạng. 

Tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội với hình thức hỗ trợ thích hợp, đến cuối năm 2019 có khoảng 2,7 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên, tăng hơn 1.000 người so với năm 2015. 

Các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản vượt kế hoạch đề ra. Các Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC, Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm…đã có nhiều sáng tạo, cách làm hay để vượt qua khó khăn ổn định và phát triển đơn vị như: Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Duy Tiên, Kim Bảng, Thuận Thành, Long Đất, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Quy Nhơn, Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An và nhiều trung tâm thuộc Sở LĐ-TB và XH các tỉnh, thành phố. 

Dấu ấn của nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu

Từ những phong trào thi đua sôi nổi của ngành LĐ-TB và XH, đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc.

Tập thể Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là tập thể điển hình, tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua của ngành trong giai đoạn 2015 - 2020. Từ ngày thành lập đến nay, toàn hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động hơn 6.700 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 30 triệu lượt trẻ em. Năm 2020, Quỹ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

Tập thể Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An là đơn vị công lập đầu tiên nghiên cứu, tiếp nhận can thiệp trẻ tự kỷ. Tổng số trẻ tự kỷ đến khám tại trung tâm mỗi năm hơn 200 cháu. Hằng tháng, Trung tâm tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên và gia đình trẻ về kỹ năng chăm sóc, can thiệp trẻ tự kỷ. 

Thầy thuốc Ưu tú Lương Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, là người đã có nhiều năm gắn bó với công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần. Gần 30 năm gắn bó với nghề y, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, không ngại khó, ngại khổ chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ông đã mạnh dạn thí điểm và mở rộng mô hình điều trị theo yêu cầu. Những trường hợp bệnh nặng hoặc gia đình có nhu cầu sẽ được quản lý, điều trị nội trú, còn các trường hợp bệnh nhẹ hơn có thể đến khám, tư vấn, mua thuốc về điều trị ngoại trú. Ông đã hai lần được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba.

Bà Trần Cẩm Nhung, Ủy viên Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, có sáng kiến tặng 50 tỷ đồng để thành lập Quỹ Đền ơn đáp nghĩa “Tấm lòng tri ân” dành cho những NCC với cách mạng và thân nhân của họ. Bà đã thành lập quỹ Khuyến học, khuyến tài tại tỉnh Đồng Nai mang tên “Chắp cánh ước mơ” với kinh phí 20 tỷ đồng giúp học sinh, sinh viên là con cháu trực hệ thương binh, liệt sĩ của tỉnh Đồng Nai. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đã tặng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam 40 tỷ đồng để thực hiện nhiều chương trình nhằm giúp đỡ, chăm sóc các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong ba năm gần đây (2017-2019), bà đã đóng góp cho các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa hơn 125 tỷ đồng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong nước.

Bà Vương Thị Liễu, nhân viên bảo mẫu, Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh, có 22 năm gắn bó với việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Trong hơn hai thập kỷ công tác, bà đã chăm sóc, nuôi dưỡng 88 cháu trưởng thành. 50 cháu đã xây dựng gia đình. Bà đang trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng 25 trẻ mồ côi. 

Giai đoạn 2016-2020: Nhiều kết quả tích cực về chính sách lao động, xã hội -0
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại chương trình. 

Biểu dương, đánh giá cao phong trào thi đua yêu nước của ngành LĐ-TB và XH, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, trong 5 năm qua, trên tinh thần lấy con người làm trung tâm, Bộ LĐ-TB và XH đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động, NCC và xã hội. Các phong trào thi đua đã được ngành LĐ-TB và XH tích cực hưởng ứng, trong đó, phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau" được thực hiện có hiệu quả thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững do Bộ là cơ quan quản lý. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 9,2% từ đầu nhiệm kỳ hiện còn khoảng 3%, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch nước đề nghị, Bộ LĐ-TB và XH tiếp tục quán triệt và vận động sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Tham gia thực hiện có hiệu quả bốn phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng phát động.

Trong đó, chú trọng tổ chức thực hiện Bộ luật Lao động, đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đất nước phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Rà soát, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp; phân luồng, liên thông trong giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững; phát triển thị trường lao động hiện đại.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC, đề xuất nâng mức trợ cấp ưu đãi NCC phù hợp điều kiện kinh tế đất nước, xử lý dứt điểm các tồn đọng xác nhận NCC… 

Hoàn thiện chính sách xã hội theo hướng tăng cường gắn kết xã hội, phát huy các giá trị văn hóa con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa dạng, đa tầng hiện đại  và hội nhập quốc tế, mở rộng chính sách trợ giúp xã hội, các quyền trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, thúc đẩy bình đẳng giới, quan tâm phòng, chống tệ nạn xã hội.