Giải bài toán quy hoạch nghĩa trang: Cần cải cách việc mai táng

Để giải quyết hài hòa giữa tâm linh và đời sống, phát triển sản xuất, nhiều địa phương đang tiên phong trong quy hoạch và xây dựng nghĩa trang nhân dân, nghĩa địa, đồng thời cải cách việc mai táng, khuyến khích hỏa táng và chôn cất văn minh, vừa tránh lãng phí nguồn lực xã hội, tiết kiệm cho gia đình vừa bảo đảm vệ sinh môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Những ngôi mộ được xây dựng tiền tỷ ở thành phố Huế. Ảnh: Công Hậu
Những ngôi mộ được xây dựng tiền tỷ ở thành phố Huế. Ảnh: Công Hậu

Để khắc phục tình trạng chạy đua xây mộ, xí đất, hiện nay ở một số địa phương đã quy hoạch những nghĩa trang đồng bộ, với những quy định, cách làm chặt chẽ, bài bản, vừa bảo đảm thẩm mỹ, văn minh, sạch đẹp, vừa tiết kiệm quỹ đất phục vụ sản xuất và phát triển xã hội cho địa phương.

Cần nhân rộng mô hình nghĩa trang đồng bộ

Khu nghĩa trang đồng bộ thôn Ngô Xá, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên được xây dựng rất gọn gàng, đẹp mắt, các ngôi mộ xếp theo hàng, đều tăm tắp, có kích cỡ bằng nhau (chiều dài 110 cm, chiều rộng khoảng 80cm).

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Trưởng thôn Ngô Xá cho biết: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc xây dựng nghĩa trang, chi bộ, chính quyền thôn Ngô Xá triển khai họp bàn với Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi và các dòng họ trong thôn. Qua bàn bạc, các dòng họ nhất trí việc xây dựng các phần mộ phải bảo đảm đúng kích cỡ theo hàng, theo hướng và đưa quy định xây dựng mộ phần vào hương ước thôn. Như vậy vừa tiết kiệm đất, không lãng phí tiền của vừa bảo đảm bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo. Các dòng họ còn cương quyết hơn, nếu gia đình nào không thực hiện xây dựng mộ phần theo quy định thì đưa ra khỏi dòng họ. Với sự vào cuộc cương quyết của chính quyền thôn, sự đồng tình ủng hộ của các dòng họ và nhân dân, thôn Ngô Xá đã có được khu nghĩa trang đồng bộ, khang trang, đẹp đẽ.

Giải bài toán quy hoạch nghĩa trang: Cần cải cách việc mai táng ảnh 1

Nghĩa trang làng Ngô Xá.

Ông Cường cho biết thêm: Thực hiện nếp sống văn minh, hiện nay 100% đám hiếu trong thôn thực hiện việc hỏa táng. Sau khi hỏa táng, gia đình chỉ chi phí khoảng 2,5 triệu đồng xây phần mộ đưa cho cốt vào là xong, bảo đảm văn minh, giảm bớt các khâu rườm rà trong lễ tang, cải táng…

Chủ tịch UBND xã Quảng Lãng Vũ Huy Võ cho biết: Nghĩa trang đồng bộ thôn Ngô Xá là mô hình điểm của xã Quảng Lãng mang lại lợi ích thiết thực, tiết kiệm đất đai và không lãng phí trong ma chay. Hiện nay, quỹ đất ở xã không còn nhiều, bởi nhân dân trong xã đã dành rất nhiều đất để xây dựng khu công nghiệp. Chính quyền xã rất lo chỗ chôn cất cho những thế hệ sau, bởi nếu cứ để tình trạng xây dựng tùy tiện, xây mộ quá lớn mất nhiều diện tích đất, các nghĩa trang nhanh bị lấp đầy, thì sẽ không còn đất để chôn cất sau này. Do vậy, xã Quảng Lãng đang nhân rộng mô hình này ở tất cả các thôn; các nghĩa trang xây mới phải thực hiện nghiêm việc xây dựng mộ phần theo quy định, theo hương ước của thôn, làng và nghĩa trang mới thôn Bình Hồ sẽ là nơi tiếp theo thực hiện xây dựng nghĩa trang đồng bộ.

Còn tại xã Tản Hồng (huyện Ba Vì, Hà Nội), từ năm 2010, địa phương đã quy hoạch nghĩa trang nhân dân theo vùng, ghép 3 thôn: La Thượng, La Phẩm, La Thiện thành một khu, thôn Vân Sa thành một khu, giao cho các thôn quản lý, quy định hai vùng riêng biệt, vùng hung táng và vùng cải táng. Riêng vùng hung táng bố trí xa khu dân cư. Vùng cải táng được quy hoạch xây dựng mộ theo hướng, kích thước, mẫu thống nhất, có đánh số mộ, dãy, quy định. Mỗi mộ xây dựng rộng 0,6m; dài 1,2m; chiều cao 0,6m; phần bia cao 1,5m. Kiểu mộ như vậy rất tiết kiệm về kinh phí cũng như diện tích đất, khắc phục tình trạng tự xây dựng mộ quá to. Việc xây dựng được thôn tổ chức thành một tổ xây dựng do Trưởng thôn phụ trách; hằng năm, vào dịp đầu năm lập dự toán theo đơn giá thị trường rồi thông qua nhân dân trong thôn và báo cáo với UBND xã về mức giá xây dựng cho 1 mộ và do tổ này xây dựng, sau đó giao cho các hộ có nhu cầu.

Là người luôn trăn trở về cải tiến việc mai táng, quy hoạch nghĩa trang nhân dân tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng Phương Văn Liểu chia sẻ, xã đã rà soát quy hoạch và tổ chức cho xây dựng nghĩa trang nhân dân có tường rào trong khuôn viên, mộ xây theo hàng lối và thống nhất mẫu chung xây dựng khu nhà tang lễ để các hộ gia đình khi có việc sẽ có nơi để lo tang ma; đồng thời trong quá trình dồn điền đổi thửa vận động nhân dân góp đất để xây dựng nghĩa trang. Ngoài ra, xã tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về thực hiện việc tang văn minh.

Khuyến khích hỏa táng

Trong những năm gần đây, công viên nghĩa trang đang từng bước được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động để thay thế các nghĩa trang truyền thống đang dần quá tải, xuống cấp và ô nhiễm. Đây là mô hình, hướng phát triển mới thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp.

Giải bài toán quy hoạch nghĩa trang: Cần cải cách việc mai táng ảnh 2

Cổng vào khu hỏa táng Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân hoàn vũ Huế.

Mới đây, cơ sở hỏa táng đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế có tên Phúc Lạc Viên-Đài hóa thân hoàn vũ Huế chính thức đi vào hoạt động. Đài hóa thân nằm trong hệ thống công trình văn hóa tâm linh được xây dựng tại xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 17km, có quy mô 2,3ha. Với tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng, Phúc Lạc Viên có hai lò hỏa táng, định hướng sẽ tăng thêm bốn lò khi có nhu cầu. Đài có nhiều dịch vụ hỗ trợ việc ma chay, hỏa táng từ trọn gói cho đến từng phần, rất thuận tiện cho gia chủ khi có nhu cầu.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, hầu hết các nghĩa trang đã quá tải, trong khi quỹ đất không còn nhiều, rất khó để quy hoạch mới và mở rộng các nghĩa trang. Ở nhiều vùng ngoại thành, các mộ nằm rải rác trên cánh đồng, để di chuyển, tập kết về một nghĩa trang là việc khó giải quyết.

Hiện nay, tại một số huyện như Đông Anh, Thanh Trì… số hộ gia đình thực hiện hỏa táng cho người thân khi qua đời đạt tỷ lệ từ 90% đến 96%, trong đó có những thôn đạt 100%. Có thể nói đây là một trong những thay đổi căn bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc tang ở Hà Nội. Đây cũng chính là điều kiện để các địa phương cấp xã quy hoạch các nghĩa trang tập trung.

Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, trước mắt, đối với nghĩa trang ở các xã, tiếp tục sử dụng nghĩa trang hiện có, nhưng cần có kế hoạch đóng cửa các nghĩa trang phân tán có quy mô nhỏ, di chuyển các mộ phần đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch; mỗi xã có từ 1 đến 2 nghĩa trang tập trung. Đối với các nghĩa trang hiện có nằm trong khu vực phát triển đô thị, khi có kế hoạch lấy đất phục vụ nhu cầu phát triển đô thị sẽ được di chuyển đến các nghĩa trang tập trung gần; đặc biệt, cần chấm dứt tình trạng chôn cất phân tán, tự phát.

Việc quy hoạch nghĩa trang phải tính đến các phong tục, tập quán về mai táng ở địa phương nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về môi trường và sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm; các địa phương cũng cần xác định các nghĩa địa hiện hữu cần di dời.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Tiến Minh

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Tiến Minh cho rằng, việc quy hoạch nghĩa trang phải tính đến các phong tục, tập quán về mai táng ở địa phương nhưng vẫn phải bảo đảm các yêu cầu về môi trường và sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm; các địa phương cũng cần xác định các nghĩa địa hiện hữu cần di dời. Đối với các nghĩa trang có hình thức mai táng là hung táng và chôn một lần tuyệt đối không được đặt trong đô thị. Cần quy tập, di dời mồ mả trong nội thị và các khu nghĩa địa nhỏ lẻ xen lẫn đất canh tác và khu dân cư vào các nghĩa trang đã được quy hoạch; đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ để phục vụ việc mai táng, bảo đảm vệ sinh môi trường, từng bước chuyển dần từ hình thức mai táng cũ sang các hình thức tiên tiến hơn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đào Mạnh Huân cho biết: Để cải cách việc mai táng, khuyến khích hỏa táng, tỉnh có chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng/1 ca hỏa táng; riêng người chết thuộc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 ca hỏa táng. Nhờ đó, những năm qua số ca hỏa táng trong tỉnh tăng nhanh chóng, giảm rất nhiều phiền hà, hủ tục trong việc tang, diện tích đất dành cho hung táng cũng giảm đáng kể. Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã thực hiện việc quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa và vận động nhân dân chôn cất người mất đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đến nay, 100% số thôn, làng trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân, trong đó có khoảng 400 thôn xây dựng nghĩa trang nhân dân đồng bộ.