Bài 1: Nỗi lo lớn dần
Theo tính toán, khu vực nông thôn, mỗi xã có trung bình từ 2 đến 5 nghĩa địa, nghĩa trang nhân dân, như vậy, với hơn 7.500 xã vùng nông thôn hiện nay của cả nước thì diện tích đất dành cho việc mai táng, an táng là rất lớn. Điều đáng nói, diện tích đất này gần như sẽ tồn tại lâu dài và ngày một tăng lên, lấn dần ra các diện tích đất canh tác chung quanh, khiến nỗi lo cứ ngày một lớn dần.
Trên thực tế, do nhiều nơi chưa có quy hoạch cụ thể và công tác quản lý chưa tốt, ở nhiều khu nghĩa trang, người dân tự phát quây đất cho gia đình và dòng họ, tự xây mộ trên phần đất nông nghiệp được giao... Mỗi nơi xây một kiểu với các hình thức, quy mô khác nhau... do đó nhiều nghĩa trang làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sống ở nông thôn, có nơi gây khó khăn trong tập trung ruộng đất cũng như đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.
Chạy đua xây mộ, xí đất
Nhiều phần mộ được “đô thị hóa” tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. |
Đến nhiều nghĩa địa ở các vùng quê hiện nay, không khó để nhận thấy, dường như đang có các cuộc chạy đua xây mộ, xí đất giữa các gia đình, dòng họ. Gia đình, dòng họ càng giàu có, phát đạt thì xây mộ càng to, càng hoành tráng. Mộ xây sau lại to, đẹp, đắt tiền hơn mộ xây trước. Nhiều gia đình, dòng họ cũng đầu tư mua lại đất nông nghiệp gần các khu nghĩa địa, xây quây lại làm khu nghĩa địa riêng.
Tại nghĩa trang nhân dân thôn Đạm Xuyên, phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều ngôi mộ được xây nguy nga với nhiều kiểu dáng khác nhau và tất nhiên chiếm nhiều diện tích hơn bình thường. Bên cạnh đó, nhiều khoảnh ruộng gần nghĩa trang được người dân xây tường bao cao khoảng 1m để làm ranh giới giữa các dòng họ hoặc các khu mộ với nhau, trên các mảnh ruộng đó nhiều diện tích đã được đổ bê-tông và xây các ngôi mộ kiên cố. Một người dân địa phương cho biết, hơn 10 năm về trước quy mô và diện tích nghĩa trang của thôn còn nhỏ, bên cạnh là đất canh tác, tuy nhiên đến thời điểm này, các ngôi mộ đã lan ra đất ruộng hàng chục mét. Nghĩa trang ngày càng lớn, đất canh tác thì ngày càng bị thu hẹp lại.
Thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc mặc dù đã có nghĩa trang nhân dân, với diện tích rộng hơn 7.000m2, được đầu tư quy hoạch khá quy củ với nhiều hạng mục, song một số hộ dân ở thôn thay vì đặt mộ ở nơi đã quy hoạch của địa phương thì lại xây mộ trên đất ruộng của gia đình. Dọc khu vực cánh đồng Vài, thôn Lâm Xuyên, nhiều ngôi mộ nằm rải rác trên đất sản xuất nông nghiệp, những ngôi mộ xây dựng lâu năm cũng có, mộ vừa mới được xây cũng chiếm khá nhiều.
Ông Nguyễn Văn Kính, ở thôn Lâm Xuyên cho biết, thực trạng người dân xây mộ trên đất nông nghiệp đã diễn ra từ rất lâu. Vài năm trở lại đây, thực hiện văn minh trong việc tang, nhiều gia đình đã đưa người mất đi hỏa táng. Thế nhưng, sau khi hỏa táng, không phải hộ nào cũng có ý thức chôn cất người thân đúng nơi quy định, một số trường hợp cố tình xây mộ người thân ngay trên đất nông nghiệp của nhà mình, dù chính quyền và các ban, ngành đoàn thể đã tuyên truyền, nhưng họ cho rằng đây là đất nhà họ cho nên không thể can ngăn. Toàn xã Tam Hồng có 9 nghĩa trang, trong đó có 7 nghĩa trang nhân dân, thế nhưng, nhiều hộ dân vẫn “tùy tiện” xây mộ ngay trên diện tích đất canh tác của gia đình.
Nhiều gia đình mở rộng và đầu tư kiên cố mộ. (Ảnh: Luân Hà) |
Tọa lạc trên diện tích hơn 15ha tại trung tâm Khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nghĩa trang xã Cẩm Nhượng nhìn như một thành phố thu nhỏ với nhiều ngôi mộ được xây dựng khang trang, bề thế, đủ mọi kiểu dáng khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Hoàng Trung Kiên trăn trở: Do không gian chật hẹp, mật độ dân cư đông đúc cho nên nhiều gia đình phải sống gần sát nghĩa trang. Tại khu vực dân cư các thôn Tân Hải, thôn Chùa… khoảng cách từ nhà ở của người dân đến các ngôi mộ chỉ vài ba chục mét.
“Trong khi đất ở cho người sống ngày càng bị thu hẹp, khu nghĩa trang của xã cũng đứng trước nguy cơ quá tải bởi 100% gia đình có người quá cố ở địa phương đều chọn cách thức địa táng, phải mất từ 8 đến 10 năm người dân mới thực hiện quy trình cải táng. Nhiều dòng họ “lo xa” còn xây tường rào, đắp đất để chiếm chỗ cho các thành viên trong dòng họ phòng lúc về già. Thành ra nghĩa trang của xã vốn đã quá tải nay càng chật chội hơn”.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, hiện có hơn 2.300 nghĩa trang cấp xã, thôn với tổng diện tích khoảng 2.600ha. Hầu hết nghĩa trang này đều hình thành tự phát, xây dựng không theo quy hoạch và không bảo đảm khoảng cách theo yêu cầu vệ sinh môi trường. Trong xu hướng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, rất nhiều khu nghĩa địa vốn nằm xa khu dân cư, nay đã lọt thỏm, nằm sát trong các khu dân cư.
Ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất
Nhiều khu nghĩa trang nhân dân chia cắt đô thị tại Hà Tĩnh. (Ảnh: Ngô Tuấn) |
Tản Hồng là xã đồng bằng nằm ở phía bắc huyện Ba Vì (Hà Nội), trước kia đã có các nghĩa trang nhân dân ở 4 thôn. Tuy nhiên, hệ thống này chưa được đầu tư xây dựng, chưa có tổ chức quản lý do đó các phần mộ ở nghĩa trang đặt theo nhiều hướng theo quan niệm của gia đình, phong tục tập quán ở địa phương và xây dựng tự do. Một số hộ vẫn đặt mộ ở phần đất 5% được giao làm đất rau xanh từ năm 1960.
Hệ thống nghĩa trang nhân dân chưa được quy hoạch, làm ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, gây nhiều khó khăn về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp do diện tích sản xuất manh mún. Trên cánh đồng dọc con đường về xã Tản Hồng, chúng tôi chứng kiến chiếc máy cày thô sơ được một nông dân lái luồn lách qua khoảng 10 ngôi mộ nằm rải rác trên thửa ruộng rộng chừng 500m2. Một nông dân ở đây cho biết, các ngôi mộ này tồn tại từ trước và hiện chưa di dời đi được, do đó việc đưa máy làm đất lớn vào cũng khó vì trên ruộng có quá nhiều mộ, mà “đụng” đến mộ là tối kỵ cho nên đành phải đưa máy nhỏ vào mới làm được.
Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng Phương Văn Liểu chia sẻ, trước đây mỗi thôn có hai khu để hung táng và cải táng. Tuy nhiên, do cách quản lý chưa chặt chẽ, việc tang lễ còn mang nhiều hủ tục dẫn đến khu nghĩa trang nhân dân xây dựng mồ mả quá to chiếm nhiều diện tích và mất cảnh quan do không đồng bộ, nhiều ngôi mộ xây dựng tự do trên những phần đất nông nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, từ đó gây khó khăn cho việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới diện tích sản xuất, mất cảnh quan môi trường. Vấn đề này đã tồn tại từ lâu năm, địa phương rất khó xử lý…
Nhiều vùng bãi ngang ở Hà Tĩnh cũng đang đối mặt tình trạng các nghĩa trang nằm xen kẽ trong khu dân cư. Tại một số địa phương chưa có hệ thống nước sạch để dùng, các hộ gia đình phải khoan giếng hoặc đào giếng khơi để sử dụng, khoảng cách không xa khu nghĩa địa là mấy.
Sau mỗi đám tang, một lượng lớn rác thải từ các vòng hoa, vật dụng vứt bừa bãi, hoặc đốt, tạo nên khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư. “Cứ mỗi lần có đám tang, gia đình chúng tôi phải đóng kín cửa, khách đến chơi không dám vào nhà, mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn…”, ông Phan Văn Sơn, thôn Kênh Nam (Thạch Hưng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), hộ dân sống cạnh nghĩa trang Hoàng Trù cho biết.
(Còn nữa)
Theo kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, việc an táng người đã chết được tích tụ từ đời này qua đời khác, nếu không được quy hoạch hợp lý thì việc lãng phí đất, ô nhiễm môi trường là tất yếu và nguy cơ thiếu đất cho người đang sống là điều dễ xảy ra trong tương lai. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, quỹ đất đòi hỏi phát triển đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp tăng theo thời gian, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp và diện tích đất dành cho nghĩa trang, nghĩa địa cũng bị ảnh hưởng, phải di dời sang vị trí khác, hoặc phải quy hoạch tập trung trên một diện tích nhỏ hơn. Do vậy, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết về mặt áp dụng pháp luật liên quan, công tác quản lý bị buông lỏng sẽ dẫn tới việc sử dụng đất nghĩa trang bừa bãi, tạo nên rào cản không đáng có cho phát triển kinh tế-xã hội và gây ra bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân.