Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.066.541 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ và đạt 82% kế hoạch năm.
Cán cân thương mại dịch chuyển sang hướng xuất siêu lên tới hơn 5,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 31,233 tỷ USD, tăng 14%, đạt 84% kế hoạch năm.
Giá trị nhập khẩu đạt 25,518 tỷ USD, tăng 30% và đạt 100% kế hoạch năm; đóng góp cho ngân sách 10.366 tỷ đồng, tăng 28%, đạt 83% kế hoạch năm.
Qua đó, góp phần gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (IIP), tăng 11,75% so cùng kỳ năm 2021.
Bà Lê Thị Thu Huyền, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngoài vai trò hỗ trợ của các chính sách, công tác quản lý sau đầu tư được đẩy mạnh, Ban Quản lý đã tiến hành nhiều hoạt động rà soát, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là vốn đầu tư nước ngoài.
Trong 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đạt khoảng 1.100 triệu USD, trong đó 938,32 triệu USD vốn FDI và 122,26 triệu USD vốn trong nước.
So với kế hoạch năm 2022, số dự án đăng ký cấp mới đạt 53,3% (56/105 dự án), nhưng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 92,2% (1.060,58/1.150 triệu USD).
Nguồn vốn thu hút mới này càng khẳng định ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực trong công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Để tận dụng làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là ở những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư giải phóng mặt bằng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và triển khai các khu công nghiệp để tiếp tục thu hút đầu tư phát triển loại hình phân phối hiện đại; tăng cường liên kết hiệu quả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, mạnh và tăng công suất sản lượng, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.