Giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bắc Ninh

Toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có tới 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong những năm qua, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, Bắc Ninh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Tuy nhiên, việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. So với thời điểm mới tách tỉnh (năm 1997) doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bắc Ninh tăng 115 lần về số lượng và 417 lần về vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”.

Nhiều khó khăn về nguồn vốn sản xuất

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở Bắc Ninh. Mặc dù có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương nhưng thời gian qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Bắc Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số; trình độ công nghệ, quản trị không cao; khả năng liên kết, hợp tác kinh doanh, năng lực tham gia chuỗi giá trị còn yếu…Đặc biệt, số doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn, toàn tỉnh chỉ có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có dư nợ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó chủ yếu do điều kiện tiếp cận vốn của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đáp ứng được các yêu cầu của phía ngân hàng. Bản thân các doanh nghiệp không có hoặc ít có tài sản thế chấp, cho nên các ngân hàng khá dè dặt khi thẩm định cho vay; về phía các ngân hàng cũng đưa ra nhiều điều kiện, điều khoản để vay vốn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trong quý I/2022, toàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 600 doanh nghiệp mới thành lập, nhưng cũng có đến gần 600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động và thực hiện thủ tục giải thể tự nguyện, nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp gặp khó về nguồn vốn sản xuất.

Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh, cho biết, mặc dù trong thời gian qua, các cấp, ngành, nhất là phía ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp còn hạn chế. Đơn cử như đối với một doanh nghiệp sản xuất giấy, tổng nguồn vốn đã đầu tư xây dựng nhà máy, đến giai đoạn sản xuất thì hết vốn, trước đó tài sản cố định công ty đã thế chấp với ngân hàng do vậy không còn tài sản bảo đảm để tiếp tục vay nguồn vốn mới, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa nhà máy. Nếu không có các động thái khơi thông nguồn vốn thì sẽ rất khó khăn để các doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì và mở rộng sản xuất.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Để phát triển bền vững các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh, trước hết phải giải quyết được vấn đề vốn sản xuất. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, doanh nghiệp cần gắn kết hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến quan hệ tín dụng nhằm đưa nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, minh bạch hóa thông tin tín dụng, hướng dẫn khách hàng nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay như: hồ sơ, thủ tục, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất về vốn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng phát triển.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phát triển doanh nghiệp theo định hướng quy hoạch chung của tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025”. Theo đó, hằng năm tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê đất hoặc di chuyển vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng, dự kiến có khoảng 175 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 180 tỷ đồng; đào tạo cho khoảng 1.800 cán bộ quản lý và đào tạo nghề cho khoảng 15.000 người lao động cho các doanh nghiệp; hỗ trợ 100% miễn phí phần mềm kế toán và kế toán thuế cho các doanh nghiệp mới thành lập trong giai đoạn 2020-2025...

Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho rằng, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tiếp tục đổi mới nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị lao động, tài chính tại chính doanh nghiệp mình; cần có bộ phận chuyên trách nghiên cứu chính sách pháp luật của Nhà nước giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Cùng với đó, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giúp doanh nghiệp hội viên tiếp cận mặt bằng, chính sách ưu đãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, thời gian tới tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh việc đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian gia nhập thị trường, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh đang hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn có nhu cầu, tiềm năng mở rộng đầu tư, chuyển đổi thành lập doanh nghiệp và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp; tạo tiền đề để các doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả hơn, bền vững hơn…

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Ninh cũng tích cực việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực tiếp cận khách hàng và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Đơn cử như Hệ sinh thái chuyển đổi số doanh nghiệp VNPT và các ưu đãi đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp theo bốn trụ cột chính (kết nối khách hàng, quản lý nhân viên, tối ưu hoạt động, quản lý chuyên ngành sản phẩm). Từ đó, giúp các doanh nghiệp định hình vào các lĩnh vực, mục tiêu quan tâm, nghiệp vụ cần thực hiện để chuyển đổi số một cách rõ ràng với các thứ tự ưu tiên cụ thể….