Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, năm 2021, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh đạt 69,45 điểm, đứng thứ 7, tăng 3 bậc so với năm 2020. Chỉ số SIPAS của tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 7, tăng 2 bậc so với năm 2020.
Chỉ số PAR INDEX tỉnh Bắc Ninh đạt 86,67/100, tăng 1,37 điểm so với năm 2020, đứng thứ 32. Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 (DTI) đứng thứ 3 cả nước, năm 2021 đứng thứ 4 cả nước, giảm 1 bậc nhưng tăng 0,118 về giá trị so với năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, tỉnh luôn nhận thức sâu sắc, kết quả phản ánh của các chỉ số không chỉ ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, của từng cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, mà còn khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, người dân trong việc “đo lường”, “đánh giá” đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước các cấp của tỉnh.
Vì vậy, tỉnh Bắc Ninh đã đưa mục tiêu cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao các chỉ số điều hành, quản trị địa phương vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Chương trình, Nghị quyết toàn khóa và Chỉ thị, kế hoạch hằng năm của chính quyền tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn không ít chỉ tiêu tại các chỉ số thành phần có điểm và thứ hạng còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng. Còn những khó khăn, trở ngại, nút thắt đối với doanh nghiệp, người dân; năng lực quản lý ở cấp cơ sở, chất lượng tương tác, giải quyết thủ tục hành chính, giao tiếp với người dân của một bộ phận đội ngũ cán bộ cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa cao, đòi hỏi các cơ quan, địa phương cần khắc phục trong thời gian tới.
Ông Đậu Anh Tuấn, Uỷ viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban thường trực, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong năm 2021, mặc dù là tâm dịch COVID-19, với gần 98% doanh nghiệp bị ảnh hưởng; trong đó có 67% doanh nghiệp đã bị giảm thu nhập, nhưng tỉnh Bắc Ninh vẫn duy trì được tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng 6,9% đứng thứ 13 cả nước.
Đặc biệt, có gần 72% doanh nghiệp đánh giá ứng phó của tỉnh với dịch Covid-19 từ khá tốt đến rất tốt.
Để tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, theo ông Đậu Anh Tuấn, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cần rà soát lại môi trường kinh doanh theo từng lĩnh vực từ kết quả điều tra PCI 2021, đặc biệt là các lĩnh vực cần cải thiện.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên website cơ quan chính quyền, đặc biệt là việc đăng tải đầy đủ các thông tin như quy hoạch, các dự án đầu tư công, đấu thầu.
Đồng thời, xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện, chuyển từ duy từ “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”, chuyển mạnh từ “tháo gỡ khó khăn” sang“tạo thuận lợi” cho doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của Bắc Ninh đó là tập trung cao để triển khai các biện pháp đồng bộ, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để phòng chống dịch và tiếp tục duy trì đà phục hồi, phát triển kinh tế.
Vì thế, các sở, ngành, địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện các giải pháp tốt nhất tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại hội thảo. |
Để làm được điều này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đôn đốc giải ngân quyết liệt hơn nữa trong triển khai các gói hỗ trợ chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát để giảm thời gian giải quyết thủ tục kinh doanh có điều kiện theo công bố hiện thời, bổ sung các thủ tục kinh doanh có điều kiện được thực hiện tại Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện hoặc dịch vụ công trực tuyến.
Cùng đó, tăng cường chất lượng thực hiện “5 tại chỗ”, làm rõ các trường hợp trả lại hồ sơ hoặc tạm thời chưa giải quyết tại Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện; tăng cường kết nối thị trường cung-cầu lao động; giải quyết chính sách an sinh và giữ chân người lao động tại địa phương.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện quy chế, nâng cao quyền hạn, trách nhiệm, năng lực giám sát của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện; tăng cường tư vấn thủ tục hành chính miễn phí tại Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện bảo đảm công khai, minh bạch.