Gia tăng giá trị nông, thủy sản

Qua chế biến, gạo và nhiều mặt hàng nông, thủy sản khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước theo hướng giảm sản phẩm thô, gia tăng sản phẩm tinh, tạo thêm giá trị gia tăng. Thực tế cũng cho thấy, công nghiệp chế biến nông, thủy sản ở Tây Nam Bộ vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần sớm vượt qua...
0:00 / 0:00
0:00
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). (Ảnh VŨ SINH)
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). (Ảnh VŨ SINH)

Bài 1: Nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú

Với tổng diện tích gieo trồng ba vụ trong năm khoảng 3,8 triệu ha, sản lượng ước hơn 24 triệu tấn/năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước. Vùng châu thổ này cũng có hơn 404 nghìn ha cây ăn trái với nhiều chủng loại đặc sản, sản lượng hơn 5,78 triệu tấn/năm và bạt ngàn diện tích nuôi thủy sản… Đó là đầu vào dồi dào, phong phú cho ngành công nghiệp chế biến phát triển.

Thực tế, nhiều địa phương trong vùng đã tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, thủy sản, có nhiều sản phẩm uy tín và thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và nước ngoài…

Nâng tầm gạo Việt Nam

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước đến nay, ngành xay xát lúa gạo tại Tiền Giang phát triển khá mạnh. Hiện, toàn tỉnh có hơn 500 doanh nghiệp chuyên doanh xay xát, lau bóng gạo và chế biến lương thực, thực phẩm từ gạo phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, riêng huyện Cái Bè có khoảng 120 doanh nghiệp, tập trung tại “chợ gạo” Bà Đắc thuộc hai xã An Cư và Hậu Thành. Nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi “trên bến, dưới thuyền”, gần các vùng nguyên liệu, ước tính mỗi năm, lượng lúa gạo trung chuyển từ các nơi qua khu “chợ gạo” này khoảng 2-3 triệu tấn.

Công ty TNHH Việt Hưng ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè là doanh nghiệp tiêu biểu của Tiền Giang trong lĩnh vực xay xát, chế biến gạo xuất khẩu theo mô hình khép kín. Giám đốc công ty Nguyễn Văn Đôn cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư 39 tỷ đồng lắp đặt hệ thống silo chứa và bảo quản lúa gạo, tự động hóa dây chuyền sản xuất; đầu tư phương tiện, xây dựng kho nhằm nâng cao năng lực xay xát, vận chuyển và dự trữ đủ lớn cho xuất khẩu. Hằng năm, công ty mua bán khoảng 150.000 tấn gạo, doanh thu dao động 700-800 tỷ đồng. Các mặt hàng do doanh nghiệp sản xuất đều đáp ứng được yêu cầu của đơn vị nhập khẩu, nhờ đó mà đơn hàng nước ngoài luôn ổn định.

Tại Đồng Tháp, tỉnh hiện có khoảng 175 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo, trong đó, có gần 20 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo. Năm 2023, sản lượng xay xát, lau bóng gạo tại Đồng Tháp khoảng 1,85 triệu tấn; xuất khẩu gạo hơn 584.000 tấn, kim ngạch hơn 336 triệu USD. Dự kiến năm 2024, sản lượng gạo chế biến của Đồng Tháp ước khoảng 1,9 triệu tấn.

Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp là đơn vị thành viên của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam. Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2020, Vinarice đã đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ phục vụ sấy, chế biến và bảo quản hạt giống, nông sản lớn và hiện đại của Nhật Bản, công suất chế biến, bảo quản 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm.

Theo Tổng Giám đốc Vinarice Trần Trương Tấn Tài, Vinarice đã thực hiện thành công việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo an toàn, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng khắt khe nhất của nhà xuất khẩu và phân khúc thị trường nội địa cao cấp. Qua đó, góp phần nâng tầm thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế và hiệu quả sản xuất của người trồng lúa.

Trong khi đó, thành phố Cần Thơ hiện có 36 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với nhiều doanh nghiệp lớn, sản phẩm đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Trong số này có Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, một trong những đơn vị xuất khẩu gạo lớn của Cần Thơ. Trung An hiện có vùng nguyên liệu hơn 10.000 ha liên kết với nông dân ở Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang… trồng những giống lúa đặc sản, lúa thơm Jasmine, lúa hữu cơ để chế biến xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Công ty xây dựng hệ thống kho chứa, xay xát, lau bóng, đóng gói đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở Cần Thơ xuất khẩu gạo hữu cơ sang Hàn Quốc, Australia với giá hơn 1.000 USD/tấn. Hằng năm, công ty xuất khẩu gạo đạt giá trị hơn 100 triệu USD và là một trong bảy công ty xuất khẩu gạo hàng đầu của cả nước với đa dạng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, nhiều “con sếu đầu đàn” về công nghiệp xay xát, lau bóng gạo ở Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang đã có tác động quan trọng đối với việc điều phối, thu hút nguyên liệu, tổ chức sản xuất, điều vận, xuất khẩu gạo của toàn vùng, góp phần nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới…

Đa dạng sản phẩm

Sau chuyển đổi sản xuất vào năm 2000, một phần lớn diện tích độc canh cây lúa tại tỉnh Cà Mau được chuyển sang nuôi tôm và các loại thủy sản khác. Hiện, diện tích nuôi thủy sản của Cà Mau khoảng 300.000 ha, trong đó, khoảng 280.000 ha tôm, sản lượng tôm hằng năm khoảng 230.000 tấn. Nguồn nguyên liệu dồi dào đã kéo theo hoạt động chế biến ở địa phương phát triển mạnh.

Từ vài doanh nghiệp cách nay hơn 20 năm, hiện Cà Mau có 32 nhà máy của khoảng 30 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, tổng công suất thiết kế hơn 250.000 tấn/năm. Riêng về sản phẩm tôm, nhiều năm liên tục, tỉnh duy trì kim ngạch xuất khẩu mỗi năm từ 1 tỷ USD trở lên, chiếm khoảng 30% giá kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Hiện, tôm Cà Mau được xuất khẩu đến 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn đòi hỏi chất lượng cao.

Đi đầu trong lĩnh vực chế biến tôm tại Cà Mau là Tập đoàn Minh Phú với doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây cũng là tập đoàn chuyên sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam và chiếm khoảng 4% thị phần tôm xuất khẩu toàn cầu. Minh Phú hiện sở hữu hơn 10 công ty thành viên với các trang thiết bị hiện đại, công suất chế biến mỗi ngày hơn 300 tấn tôm nguyên liệu.

Tỉnh Long An hiện có hơn 35 doanh nghiệp chuyên chế biến trái cây xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Chanh Việt (CHAVI) Nguyễn Văn Hiển cho biết, đơn vị đang xuất khẩu chanh tươi và chế biến khoảng 50 loại sản phẩm như: Bột chanh hòa tan, chanh tẩm mật ong, trà chanh... Bình quân mỗi tháng, công ty xuất khẩu gần 10 tấn chanh tươi và sản phẩm chế biến sang một số thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Na Uy và vùng Trung Đông.

Từ một dây chuyền đồ hộp duy nhất, Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây (Westfood) ở Cần Thơ đang sở hữu nhà máy hiện đại với các dây chuyền tiên tiến từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sản phẩm của Westfood đa dạng gồm các loại trái cây đóng hộp như: Khóm (dứa), xoài, nha đam, hạt sen, thạch dừa, bắp non… đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ…

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động với tổng công suất hơn 70.000 tấn/năm. Trong đó, Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đã xây dựng nhà máy chế biến với công suất trái cây đông lạnh gần 4.400 tấn/năm, trái cây sấy 182 tấn/năm và sản phẩm từ nước dừa hơn 8.800 tấn/năm.

Theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cây sen đã được chuyển từ ngành hàng tiềm năng thành ngành hàng chủ lực của tỉnh với mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”. Hiện, Đồng Tháp có 22 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đa dạng các sản phẩm từ các bộ phận của cây sen với hơn 100 sản phẩm. Năm 2023, hạt sen sấy của Công ty TNHH một thành viên Nam Huy Đồng Tháp được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; là hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Đến nay, doanh nghiệp này đã tạo được hệ thống bán hàng với hơn 50 nhà phân phối khắp cả nước và hạt sen sấy Nam Huy còn được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore… Công ty tiếp tục đầu tư thiết bị, máy móc, thực hiện khép kín từ khâu sơ chế đến thành phẩm để đáp ứng sản phẩm sen sấy cho thị trường nước ngoài. Trung bình mỗi tháng, công ty đạt sản lượng hơn 10 tấn và sẽ nâng công suất lên 15 tấn sản phẩm/tháng.

Chủ tịch Hội ngành hàng sen Đồng Tháp Ngô Chí Công cho biết, nhiều sản phẩm mới đang được các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu theo tín hiệu của thị trường mang tính ứng dụng cao như than hoạt tính từ gương sen, nhựa sinh học từ sợi thân sen hay tinh dầu sen, cao sen… Đây là những sản phẩm tiềm năng lớn, tạo sức đột phá mạnh mẽ bằng việc kết hợp giữa khoa học-công nghệ vào trong cây nông nghiệp đặc trưng bản địa, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi...

(Còn nữa)