Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đây là Chương trình tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu.
Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
Theo đó, giai đoạn 2021-2024 đã đạt được một số kết quả: Hoàn thiện chính sách pháp luật; Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh.
Cụ thể: Xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu cho lĩnh vực sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam; Xây dựng các mô hình công nghệ tái chế kim loại: tận thu đồng sunfat từ phế liệu phíp đồng, tái chế pin Lithium, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời, tái chế rác thải điện tử... Xây dựng sổ tay công nghệ tốt nhất cho các ngành khai thác khoáng sản kim loại, hóa chất…
Đại biểu thông tin tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; đẩy mạnh mua sắm bền vững; nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải…
Bộ Công thương cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thực hiện: đánh giá thực tiễn, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực ngành có tiềm năng tại địa phương; chú trọng sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế, thân thiện môi trường; tăng cường liên kết hợp tác với các cơ quan, tổ chức và các bên trong chuỗi nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi tuần hoàn và bền vững; hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm, giảm chất thải phát sinh…
Tại Hội nghị, đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình và khó khăn, thuận lợi cũng như cơ hội khi triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững trong các ngành…