Hơn 100 năm trước, người dân Giồng Luông (ấp Vĩnh Bắc, xã Đại Điền) đã kết hợp những sản vật của địa phương là: nếp, dừa, chuối, đậu đen… để làm chiếc bánh dừa. Từ đó, bánh dừa mang tên Giồng Luông đã trở thành đặc sản của địa phương và được bán khắp các tỉnh trong khu vực.
Ông Huỳnh Văn Tư kể lại: “Từ thời bà nội tôi đã làm bánh dừa để cúng trong các dịp đám giỗ, lễ, Tết… và bán cho bà con trong xóm. Theo thời gian, nhiều hộ gia đình tại Giồng Luông cũng làm chiếc bánh lá dừa để bán cho thương lái cung ứng khắp nơi từ các tỉnh trong khu vực và đến các tỉnh miền đông. Thời cực thịnh nhất là vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, chiếc bánh lá dừa theo những chuyến đò dọc, xe đò lên tận Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền đông, miền tây… Bánh lá dừa Giồng Luông nổi tiếng khắp nơi, cả xóm có hơn chục hộ theo nghề gói hàng chục nghìn chiếc bánh mỗi ngày để bán lại cho thương lái mang đi tiêu thụ”.
Bình quân mỗi tháng, gia đình ông Tư tiêu thụ khoảng 500kg nếp, gần 200kg đậu, 400kg chuối và 500 quả dừa góp phần tiêu thụ nông sản của bà con ở địa phương.
Theo thời gian, chiếc bánh lá dừa ít dần do tác động của cơ chế thị trường, nhiều người ưa chuộng các loại bánh hiện đại, bảo quản lâu. Người dân Giồng Luông cũng dần bỏ nghề để chuyển sang làm việc khác mưu sinh.
Hiện tại, ở Giồng Luông chỉ còn 2 hộ tiếp tục theo nghề. Trong đó, hộ ông Huỳnh Văn Tư làm với số lượng lớn và phát triển thành sản phẩm OCOP 3 hạng sao.
Bà Đoàn Thị Bé tạo khung từ lá dừa nước non để gói bánh |
Bà Đoàn Thị Bé - vợ ông Tư cho biết: “Trước đây, tôi ở xã Minh Đức (huyện Mỏ Cày Nam), khi lấy chồng về đây mới theo nghề làm bánh dừa của gia đình được gần 50 năm. Nghề làm bánh dừa là nghề truyền thống của dòng họ nên cố gắng gìn giữ và nối nghiệp đến nay là đời thứ tư. Từ cái nghề làm bánh dừa, gia đình tôi đã nuôi 7 người con khôn lớn, thành đạt, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. Do vậy, gia đình quyết giữ nghề không để mai một theo thời gian. Hiện tại, có 2 đứa con tôi đang theo nghề để tiếp nối truyền thống của gia đình”.
Hiện tại, mỗi ngày gia đình làm khoảng 1.000 chiếc bánh bán cho thương lái trong, ngoài huyện đến mua với giá 2.500 đồng/cái rồi chở đi bán lẻ khắp nơi. Những dịp lễ, Tết, gia đình sẽ làm với số lượng lớn hơn do có nhiều người đặt hàng. Bánh có thời hạn sử dụng 3 đến 4 ngày trong điều kiện bảo quản thường, khoảng 30 ngày nếu bảo quản lạnh. Chiếc bánh dừa Giồng Luông ngon nhờ nếp dẻo, béo từ cốt dừa, thơm mùi chuối chín tự nhiên nên người tiêu dùng rất thích. Nhờ chăm chút, tỉ mỉ trong từng công đoạn mà bánh dừa của gia đình luôn làm hài lòng thực khách và duy trì cho đến ngày nay.
Ông Huỳnh Văn Tư, ấp Vĩnh Bắc, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú
Mới sáng sớm, gia đình ông Tư đã tất bật làm bánh để giao cho khách. Hai vợ chồng ông Tư phụ trách công đoạn quấn khung lá dừa thành hình trụ tròn, còn 2 đứa con ở sau bếp vớt bánh đã chín rồi để nguội, cột thành từng chùm rất gọn gàng.
Ông Tư cho biết: “Mỗi ngày cả nhà gồm 4 người phải dậy từ 1 giờ sáng để thực hiện các công đoạn: ngâm và đãi nếp, rồi đến các công đoạn khác như quấn khung lá dừa, gói bánh, buộc bánh và hấp bánh... Bánh hấp lúc 3 giờ sáng và nấu trong khoảng 5 giờ liên tục sẽ chín. Sau 3 giờ sáng, một số thành viên đi ngủ tiếp chỉ còn mình tôi hoặc vợ canh lửa nồi bánh. Đến 8 giờ sáng hôm sau sẽ vớt ra, để nguội rồi cột thành chùm, mỗi chùm 12 cái để giao cho các mối đã đặt từ trước”. Sau khi giao bánh xong, các thành viên trong gia đình lại lo nguyên liệu làm bánh ngày hôm sau như: quấn khung bằng lá dừa, nạo dừa, chuẩn bị củi…
Bình quân mỗi tháng, gia đình ông Tư tiêu thụ khoảng 500kg nếp, gần 200kg đậu, 400kg chuối và 500 quả dừa góp phần tiêu thụ nông sản của bà con ở địa phương.
Bánh dừa Giồng Luông được gói từ lá cây dừa nước non nên có màu vàng đẹp mắt. Bánh dừa chín nhờ sức nóng từ hơi nước, do vậy, người làm bánh phải làm khuôn từ lá dừa nước non sao cho kín, buộc dây chặt thì khi hấp nước mới không ngấm vào bên trong.
Gia đình ông Tư có gần 50 năm giữ lửa nghề làm bánh dừa truyền thống |
Ông Tư cho biết: “Hiện tại, mỗi ngày gia đình làm khoảng 1.000 chiếc bánh bán cho thương lái trong, ngoài huyện đến mua với giá 2.500 đồng/cái rồi chở đi bán lẻ khắp nơi. Những dịp lễ, Tết gia đình sẽ làm với số lượng lớn hơn do có nhiều người đặt hàng. Bánh có thời hạn sử dụng 3 đến 4 ngày trong điều kiện bảo quản thường, khoảng 30 ngày nếu bảo quản lạnh. Chiếc bánh dừa Giồng Luông ngon nhờ nếp dẻo, béo từ cốt dừa, thơm mùi chuối chín tự nhiên nên người tiêu dùng rất thích. Nhờ chăm chút, tỉ mỉ trong từng công đoạn mà bánh dừa của gia đình luôn làm hài lòng thực khách và duy trì cho đến ngày nay”.
Thời gian gần đây, gia đình ông Tư được địa phương hỗ trợ các loại máy móc, nhãn hiệu, bao bì… và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Giồng Luông” cho sản phẩm bánh dừa Giồng Luông của gia đình ông Tư. Khi có nhãn hiệu, sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gia đình ông Tư đang tiếp tục truyền nghề cho các thế hệ sau để phát triển nghề truyền thống của gia đình.
Hiện tại, chị Huỳnh Thị Phụng (sinh năm 1987, con gái ông Tư) và người anh ruột dù lập gia đình, ở riêng nhưng mỗi ngày đều qua nhà cha mình để phụ các công đoạn gói bánh dừa.
Chị Phụng cho biết: “Tôi phụ làm bánh với gia đình từ năm 12 tuổi cho đến nay và quyết tâm theo nghề truyền thống của gia đình. Ngày nào cũng vậy, khoảng 1 giờ sáng là tôi qua đây cùng cha, mẹ và anh ruột gói bánh dừa rồi hấp để kịp sáng sớm giao cho khách. Hiện tại, đứa con gái tôi đang học lớp 12 cũng được hướng theo nghề của gia đình bằng việc bán hàng qua mạng xã hội nhằm giúp sản phẩm đi xa hơn”.
Nhãn hiệu “Giồng Luông” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 4-0399127-000 có hiệu lực từ ngày 8/10/2021 đến hết 10 năm và có thể gia hạn. Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú đã công bố quyết định trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Giồng Luông” cho hộ kinh doanh Huỳnh Văn Tư.
Sản phẩm bánh dừa Giồng Luông được cấp nhãn hiệu và đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Điền Lê Văn Trung cho hay, địa phương đang tập trung hỗ trợ để phát triển sản phẩm bánh dừa Giồng Luông truyền thống. Các cấp chính quyền trong huyện, cũng như xã Đại Điền quan tâm đẩy mạnh việc giới thiệu sản phẩm đến du khách gần xa, không chỉ trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh, ngoài nước để nhiều người biết và thưởng thức. Mới đây, bánh dừa Giồng Luông được chọn là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện được trưng bày, giới thiệu tại Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch biển huyện Thạnh Phú lần thứ 2 năm 2023.
Nhãn hiệu “Giồng Luông” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 4-0399127-000 có hiệu lực từ ngày 8/10/2021 đến hết 10 năm và có thể gia hạn. Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú đã công bố quyết định trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Giồng Luông” cho hộ kinh doanh Huỳnh Văn Tư.
Theo đó, hộ ông Tư được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Giồng Luông” dùng cho sản phẩm bánh dừa Giồng Luông. Sau khi có nhãn hiệu, sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, gia đình ông Tư đang quyết tâm đưa sản phẩm đi xa hơn và phát triển bền vững nghề truyền thống lâu năm tại địa phương.