Tại chương trình, ban tổ chức đã trao chứng nhận OCOP của Ủy ban nhân dân thành phố cho 12 sản phẩm của 10 chủ thể.
Theo đó, 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao gồm: chả lụa Peco Food của Công ty TNHH Peco Food (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) và lạp xưởng tươi Minkai của hộ kinh doanh Hồ Thị Thùy Trâm (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu).
10 sản phẩm còn lại được công nhận OCOP 3 sao gồm: Bánh tráng mè truyền thống Thi Chung (xã Hòa Châu); chả cá thát lát chiên Văn Tới và chả cá thát lát Văn Tới của Hợp tác xã Làng Phú Sơn (xã Hòa Khương); nấm đông trùng hạ thảo Quỳnh Tâm và nấm linh chi Quỳnh Tâm (xã Hòa Phong); gà thả vườn Kê Sơn của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 (xã Hòa Phong); chè dây Hòa Bắc của hộ kinh doanh Lê Anh Tú (xã Hòa Bắc); mật ong Bana Bee của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Davina (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu); nước mắm Nam Ô-Hiệp Hải của hộ kinh doanh Phạm Thị Hải Nguyệt và rượu đinh lăng - Đà tửu của hộ kinh doanh Mai Thị Xuân (cùng phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).
Để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố hỗ trợ mỗi sản phẩm 2.000 tem chứng nhận OCOP Đà Nẵng.
Hiện nay, sản phẩm Bánh dừa nướng mè của Công ty TNHH Mỹ Phương Food (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) đang được hoàn thiện hồ sơ để tham gia, đánh giá phân hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định trong năm 2023.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao tặng biểu tượng ghi nhận thành tích của sản phẩm Bánh dừa nướng mè. Đây là sản phẩm đầu tiên của thành phố Đà Nẵng bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn tham gia đánh giá cấp Trung ương.
Trước đó, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng ban hành Kế hoạch số 220/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022-2025.
Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 135 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Hoàn thiện, chuẩn hóa và nâng cấp từ 2-3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Cùng với đó, thành phố cũng phấn đấu có hơn 70% sản phẩm OCOP được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; ít nhất 80% sản phẩm OCOP đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hoặc hoàn thành hồ sơ đăng ký nhãn hiệu.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phấn đấu có ít nhất 60% chủ thể OCOP tham gia vào kênh bán hàng; 80% sản phẩm được quảng bá trên môi trường trực tuyến; Hình thành trung tâm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp thành phố và đẩy mạnh hình thành điểm/trung tâm trưng bày OCOP cấp quận/huyện.