Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, các địa phương hoàn thành hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội; trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428 nghìn căn; giai đoạn tiếp theo hoàn thành khoảng 634 nghìn căn.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 19/5, tại Hà Nội.
Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: Trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở ổn định, an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: quy hoạch bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn vốn ưu đãi cho vay để phát triển nhà ở xã hội; sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp…
Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428 nghìn căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634 nghìn căn; đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022-2025 và 2025-2030).
Hiện nay, Bộ Xây dựng thường xuyên phối hợp các bộ, ngành, địa phương giám sát việc triển khai thực hiện Đề án nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 18/5/2023, trong giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.500 căn.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu ngắn hạn đến 2025, bên cạnh việc hoàn thành đầu tư xây dựng 288.500 căn hộ đang triển khai, phải mở mới và hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 120 nghìn căn.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. |
Để bảo đảm việc triển khai, thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và có giải pháp thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
Tập trung đánh giá đúng thực trạng kết quả đã triển khai trong thời gian qua; chỉ rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất là giải pháp về huy động mọi nguồn lực từ xã hội cùng tham gia với sự hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhằm đạt mục tiêu của Đề án.
Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn, ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến thể chế chính sách, các thủ tục đất đai đầu tư-xây dựng, cải cách thủ tục hành chính...
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bám sát chủ trương của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định cần phải ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho phát triển nhà ở xã hội.
Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai, xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng đã triển khai cho vay một số chương trình đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, tính đến 31/3/2023 đạt dư nợ 10.935 tỷ đồng.
Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng đã hoàn thành việc giải ngân vào 31/12/2016 với doanh số giải ngân đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng. Đến nay, dư nợ cho vay của chương trình này với khách hàng là 5,7 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng tín dụng đối với nhà ở xã hội còn thấp do một số nguyên nhân như: nguồn cung nhà ở xã hội còn khan hiếm, khiến tiếp cận khách hàng, dự án nhà ở xã hội tốt, có hiệu quả còn khó khăn; việc bố trí nguồn vốn ngân sách cho các chương trình nhà ở còn hạn chế, chưa kịp thời...
Tạo động lực xây dựng nhà ở xã hội
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, đến nay thành phố đã triển khai 2 dự án nhà ở xã hội, hoàn thành 1.499 căn hộ, đang xây dựng 546 căn hộ; đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi công năng 2 dự án ký túc xá sinh viên sang nhà ở xã hội cho công nhân với 728 căn hộ; đồng thời triển khai kêu gọi đầu tư 1 dự án với khoảng 600 căn hộ và đang phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn địa điểm để triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn (gồm nhà ở và các thiết chế văn hóa, thể thao) phục vụ công nhân tại khu vực quận Liên Chiểu.
Dự kiến, giai đoạn 2021-2030, thành phố Đà Nẵng đầu tư 20.493 căn hộ nhà ở xã hội.
Thực tế trong quá trình thực hiện phát sinh một số vấn đề phức tạp liên quan đến thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư, gây ảnh hướng rất lớn đến tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Theo quy định, trường hợp đối tượng đăng ký thuê nhà ở xã hội không có hộ khẩu thường trú thì phải có bản sao giấy xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Như vậy, đối với công nhân không có hộ khẩu thường trú tại địa phương thì phải làm việc ít nhất 1 năm mới đủ điều kiện được thuê nhà ở xã hội.
Trong khi đó, đa số công nhân có nhu cầu thuê nhà ở xã hội khi đến làm việc tại địa phương, các trường hợp làm việc trên 1 năm đều đã thuê nhà ở và ít có nhu cầu thay đổi chỗ ở.
Do đó, kiến nghị xem xét điều chỉnh quy định xét duyệt đối tượng công nhân khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội tương tự như đối tượng là học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề thuê nhà ở sinh viên (bỏ điều kiện về cư trú, giảm trình tự thủ tục xét duyệt bố trí thuê).
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu hoàn thành khoảng một triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030, Nhà nước cần khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.