Giải “cơn khát” nhà ở xã hội

Sau một thời gian dài chờ đợi, mới đây dự án nhà ở xã hội tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã được mở bán. Tuy số lượng căn hộ có hạn và mức giá ở mặt bằng giá mới, nhưng số hồ sơ đăng ký mua nhiều, cho thấy nhu cầu mua nhà ở của người thu nhập thấp rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án ký túc xá học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ được chuyển đổi thành nhà ở xã hội.
Dự án ký túc xá học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ được chuyển đổi thành nhà ở xã hội.

Biết tin có dự án nhà ở xã hội triển khai tại ô đất HH-02A thuộc dự án đông nam đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, từ cuối năm 2022, vợ chồng anh Tường, chị Hà, sinh sống và làm việc tại quận Thanh Xuân đã chuẩn bị đủ các giấy tờ trong hồ sơ mua nhà. Ngay khi Sở Xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội (đợt 1) tại đây, vợ chồng anh chị rất phấn khởi mang hồ sơ đến nộp.

Tuy nhiên, niềm vui của anh chị không trọn vẹn khi tiếp nhận thông báo giá bán gần 20 triệu đồng/m2. Anh Tường chia sẻ: Giá bán nhà ở xã hội gần 20 triệu đồng/m2, tính ra giá bán căn hộ từ gần 70 đến 77m2 là khoảng 1,5 tỷ đồng là quá cao so với người thu nhập thấp tại đô thị. Trong khi đó, mấy tháng nay, vợ chồng anh hỏi mua căn hộ chung cư cũ, thì không tìm được căn hộ nào có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2. Vì thế, không còn cách nào khác, anh chị vẫn nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội và hy vọng được xét duyệt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lợi dụng việc khan hiếm các dự án nhà ở xã hội, trong khi các dự án nhà ở thương mại mở bán cũng rất ít kèm giá bán cao, từ nhiều tháng qua, trên mạng xã hội, văn phòng bất động sản rầm rộ rao bán “suất mua” căn hộ hoặc nhận tư vấn, hoàn thiện hồ sơ mua căn hộ nhà ở xã hội tại đây, với mức phí vài trăm triệu đồng/căn.

Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS, đại diện liên danh chủ đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 4, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại phường Trung Văn, khẳng định: đơn vị chỉ tiếp nhận hồ sơ duy nhất tại tầng 1, nhà N09B1, khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người đứng đơn phải trực tiếp nộp hồ sơ, ký giấy biên nhận hồ sơ, đăng ký nguyện vọng diện tích căn hộ và bốc thăm quyền mua, vị trí căn hộ; không nhận hồ sơ thông qua các hình thức ủy quyền. Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 28/3 đến hết ngày 11/5/2023; thời gian dự kiến ký hợp đồng mua căn hộ vào quý II và quý III/2023. Thời gian dự kiến bàn giao căn hộ vào quý I/2025.

Một tin vui khác đến với người có thu nhập thấp có nhu cầu cải thiện chỗ ở là mới đây Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở tới năm 2025 với mục tiêu phát triển 1 triệu 215 nghìn m2 sàn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025, trong số đó sẽ dành hơn 220 tỷ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.

Dự án được khởi công từ năm 2009, trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía nam Thủ đô, ngay cạnh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp vành đai 3, đường Giải Phóng, gần nhiều trường đại học, cao đẳng, nhưng sau hơn 10 năm, chỉ có hai khối nhà hoạt động, còn lại các tòa nhà đã cơ bản hoàn thành xây thô, nhưng vẫn bỏ trống, gây lãng phí rất lớn. Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa, nhưng chưa được thực hiện. Đầu năm 2023, thành phố Hà Nội chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án bằng tiền ngân sách.

Theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, việc chuyển đổi từ ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải trải qua rất nhiều thủ tục, cho nên thời gian dự kiến hoàn thiện chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là vào năm 2025.

Nhu cầu nhà ở xã hội của người dân rất lớn. Vì thế, để hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với hai khu nhà ở xã hội và triển khai lập quy hoạch chi tiết đối với ba khu nhà ở xã hội tập trung; đồng thời, nghiên cứu đề xuất xây dựng các khu nhà ở xã hội dọc theo đường vành đai 4 và các vị trí khác.

Thành phố cũng cần tiếp tục rà soát những ô đất thuộc các quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để bổ sung quỹ nhà ở xã hội, giải “cơn khát” nhà ở xã hội của người thu nhập thấp.