Cần giải pháp đột phá để phát triển nhà ở xã hội

NDO - Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, các dự án thuộc nhóm nhà ở nêu trên hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, về vốn, về đối tượng được mua, thuê nhà… đòi hỏi những giải pháp đột phá để gỡ vướng. Hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội" được Báo Người Lao động tổ chức ngày 28/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm mục đích lắng nghe những hiến kế của lãnh đạo cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia phát biểu tại Hội thảo.
Các chuyên gia phát biểu tại Hội thảo.

Khó tiếp cận nhà ở xã hội

Anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) sinh sống và làm việc tại thành phố đã 22 năm với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhiều năm nay anh tìm mua nhà ở xã hội để an cư nhưng rất khó khăn vì nguồn cung ít, khó tiếp cận được vốn vay mua nhà. “Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư lạc nghiệp. Đây là nhu cầu cũng chính là giấc mơ cần hiện thực để tiếp tục lao động mưu sinh” - anh Nhân bộc bạch.

Tương tự, chị Lê Thị Hằng, Công nhân Công ty CCHTop- Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cũng mong muốn mua hoặc thuê được nhà ở xã hội. Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, chị Hằng mong muốn mua căn hộ 45-50 m2, giá cả khoảng 1 tỷ đồng, trả trước 20% và giá trả mỗi tháng 3-4 triệu đồng…

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quý I/2023, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 260 căn hộ; đang triển khai 9 dự án với quy mô 6.231 căn; 79 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Theo ông Hồ, có nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội tại thành phố. Theo quy định, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng lại phải thực hiện thủ tục thẩm định xong giá đất mới được miễn. Mà thủ tục thẩm định giá đất hiện đang rất vướng mắc, có dự án mất nhiều năm không thẩm định được giá đất để tính tiền sử dụng đất. Ngoài ra, còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này khiến kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống. Quan điểm, nhận thức của đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội cũng khác nhau nên ảnh hưởng đến định hướng phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhưng thực tế rất nhiều người đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.

Ông Châu cũng cho biết trong dự thảo Luật Nhà ở hiện nay bổ sung nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng thiếu nhà lưu trú nằm ngoài khu công nghiệp. Điển hình như Công ty PouYeun là công ty với hàng nghìn công nhân, nằm ngoài khu công nghiệp nhưng không có nhà lưu trú cho công nhân… Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà trọ cho công nhân, người lao động là rất lớn nhưng đối tượng này chưa được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở.

Ở góc độ doanh nghiệp chuyên đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành chia sẻ nhiều cái vướng quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội. Vướng đầu tiên là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, mất rất nhiều thời gian ở khâu này. Nói về câu chuyện chính doanh nghiệp mình, ông Nghĩa nói phải mất 4 năm để xin điều chỉnh dự án từ 12 tầng lên 14 tầng. Ở khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành cũng rất lâu, có khi 6 tháng không thấy trả lời. Đó là chưa kể lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội hiện nay là 14%, gần đây giảm còn 12%. Mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội.

Giải pháp nào?

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để phát triển được thị trường nhà ở xã hội cần thay đổi quan điểm và cách tiếp cận về nhà ở xã hội. Phải coi chính sách nhà ở xã hội là chính sách kinh tế nhân văn, mang ý nghĩa về kinh tế và an sinh xã hội. Cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản. Tiếp đó là có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý. "Tôi rất mong muốn Bộ Chính trị có một nghị quyết về xây dựng nhà ở xã hội" - Tiến sĩ Lực bày tỏ.

Cần giải pháp đột phá để phát triển nhà ở xã hội ảnh 1

Tiến sĩ Cấn Văn Lực phát biểu ý kiến tại Hội thảo.

Theo Tiến sĩ Lực, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất; tạo lập nguồn vốn bền vững, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội và ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội.

Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Ủy ban nhân dân thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội nhằm kiểm soát tiến độ, lộ trình và quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành. Trong dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án được ưu đãi tăng chỉ tiêu quy hoạch 1,5 lần mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch phân khu. Đồng thời, cho phép thành phố sắp xếp lại các dự án nhà ở xã hội trong dự án thương mại.

Hiện nay cơ chế yêu cầu chủ đầu tư dành quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội nên dẫn tới nhà ở xã hội phân bố toàn địa bàn mà chưa gắn với quy hoạch. Thành phố xin cho quy hoạch nhà ở xã hội theo khu vực.

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Hưng, những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023. Những dự án nhà ở xã hội được Nhà nước ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất sắp tới sẽ miễn tiền nhưng không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất. Ngoài ra, đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công chứ không phải tính trên tổng thu nhập như hiện nay…