Hướng tới 32% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo thất nghiệp

Trong năm 2023, một trong những mục tiêu hướng tới là nâng tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp lên mức 32%.
Lao động tại Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon. (Ảnh: Phương Vy)
Lao động tại Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon. (Ảnh: Phương Vy)

Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp

Trong Kế hoạch hành động của ngành lao động-thương binh và xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), mục tiêu đặt ra là tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong năm nay đạt khoảng 31,5-32%.

Trước đó, đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt mốc hơn 14,33 triệu người, chiếm tỷ lệ hơn 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Hướng tới 32% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo thất nghiệp ảnh 1

Lao động tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Hà Nội. (Ảnh: Minh Hà)

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, so quý I/2023, thất nghiệp quý II/2023 tăng cả về số lượng và tỷ lệ. Thị trường lao động trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo. Cụ thể như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine và tổng cầu thế giới suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 là khoảng 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so quý trước và tăng 1,9 nghìn người so cùng kỳ năm trước.

Đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt mốc hơn 14,33 triệu người, chiếm tỷ lệ hơn 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 là 2,30%, tăng 0,05 điểm phần trăm so quý trước và giảm 0,02 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới 3%. Cụ thể, quý I năm 2023 là 2,66% và quý II năm 2023 là 2,75%.

Cũng theo cơ quan thống kê quốc gia, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý II năm 2023. Điều này dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng đời sống của người lao động.

Đơn cử, theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II năm nay là khoảng 241,5 nghìn người, giảm 52,5 nghìn người so quý trước, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 84,1%.

Số lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217,8 nghìn người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

Về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong 5 tháng đầu năm 2023, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là hơn 393 nghìn người, tăng 8% so cùng kỳ năm 2022. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là khoảng 337 nghìn người, giảm 0,91% so cùng kỳ năm 2022. Con số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm là gần 755 nghìn lượt người, trong đó có khoảng 75 nghìn người được giới thiệu việc làm. Cùng với đó là khoảng 8.200 người được hỗ trợ học nghề.

Thời gian qua, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng thường xuyên đôn đốc các sở lao động-thương binh và xã hội và trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, tổ chức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kế hoạch nêu trên của ngành lao động-thương binh và xã hội cũng nhấn mạnh tới việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương.

Cùng với đó, kế hoạch này mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; giám sát về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở các địa phương.

Kế hoạch cũng nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục, quy trình và thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, đúng đối tượng.

Để đạt được mục tiêu này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng cần được đổi mới, giảm thể thủ tục hành chính, tăng cường nâng cao chất lượng tư vấn, việc làm, đào tạo cung cấp thông tin thị trường lao động. Điều này nhằm hướng tới mục tiêu chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là một giá đỡ của thị trường lao động, vừa là công cụ quản trị thị trường, vừa là chính sách hỗ trợ phát triển thị trường, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Trước đó, từ ngày 12/4/2022, dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” đã được tích hợp thành công trên Cổng Dịch vụ quốc gia. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy, đến ngày 16/5/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp các đơn vị của ngành lao động-thương binh và xã hội tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 132 nghìn trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Để bảo hiểm thất nghiệp là giá đỡ cho người lao động

Hướng tới 32% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo thất nghiệp ảnh 2

Lao động tại Công ty TNHH Cự Thành, Đồng Nai. (Ảnh: Thiên Vương)

Chia sẻ trong một chương trình tọa đàm về bảo hiểm thất nghiệp gần đây, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) cho biết, Việt Nam là một trong 82 quốc gia trên thế giới và là nước thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này đã triển khai hơn 14 năm ở nước ta, được xây dựng theo mô hình quỹ kết dư. Thời gian qua, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã có tích lũy và dần dần có kết dư.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ hơn 41.000 tỷ đồng, trong đó có 9.200 tỷ đồng tiền giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ cũng hỗ trợ tiền mặt trực tiếp từ kết dư quỹ cho người lao động hơn 31.800 tỷ. Tính đến cuối năm 2022, quỹ vẫn kết dư hơn 55 nghìn tỷ đồng.

Với bối cảnh hiện nay, số chi bảo hiểm thất nghiệp bằng hoặc cao hơn thu. Nhưng cùng với việc thu và đầu tư tăng trưởng quỹ, phần kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp những năm trước, trong ngắn hạn, quỹ này không có nguy cơ mất cân đối, nhưng trong dài hạn thì có nguy cơ mất cân đối. Do vậy, trong thời gian tới đây, khi thực hiện sửa đổi Luật Việc làm, cơ quan soạn thảo sẽ tiến hành sửa đổi chính sách, xem xét điều kiện tiếp cận hưởng, mở rộng chính sách, nhưng kèm đó là các giải pháp tính toán các vấn đề tài chính, thu chi, kết dư.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ hơn 41.000 tỷ đồng, trong đó có 9.200 tỷ đồng tiền giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ cũng hỗ trợ tiền mặt trực tiếp từ kết dư quỹ cho người lao động hơn 31.800 tỷ.

Hiện nay, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm sửa đổi đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

Ngoài ra, cũng triển khai các giải pháp khác như tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao năng lực tổ chức bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý, chấn chỉnh các sai sót; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; chia sẻ dữ liệu lao động các ngành với nhau (lĩnh vực lao động, đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội…). Từ đó, giúp hạn chế thủ tục hành chính, tránh các vi phạm, gian lận; đào tạo nhân sự, thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao trình độ cán bộ tổ chức thực hiện; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận… bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các đối tượng tham gia.

Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện nay, theo quy định tại Điều 57, Luật Việc làm năm 2013, người lao động đóng 1% tiền lương. Người sử dụng lao động đóng 1% trên tổng quỹ tiền lương của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị.

Cùng với đó, còn có quy định mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trong trường hợp người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở, thì sẽ đóng bằng mức 20 lần tháng lương cơ sở.

Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định, nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu vùng, thì đóng bằng mức 20 lần tháng lương tối thiểu vùng.

Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp bằng 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc.

Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian đóng. Người lao động đóng từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ thêm 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động được thêm 1 tháng trợ cấp. Số tiền tối đa không quá 12 tháng trợ cấp.

Đồng thời, họ cũng được hỗ trợ học nghề miễn phí, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, cấp thẻ thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài việc nhận trợ cấp thất nghiệp, họ được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề.

Theo Điều 55 của Luật Việc làm 2013, người lao động được hỗ trợ học nghề phải đáp ứng điều kiện: đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các sở lao động-thương binh và xã hội ở các địa phương; người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên, trong vòng 24 tháng làm việc, tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.

Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên. Nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề, chỉ cần đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên là họ có quyền được hỗ trợ học nghề. Đây là quyền lợi mà nhiều lao động thường không để ý nên dễ bị bỏ quên.

Mức hỗ trợ học nghề cũng được quy định rất cụ thể. Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, tùy thời gian và mức phí quy định cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học. Với những lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ trên 3 tháng, căn cứ vào mức phí, học phí của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định và căn cứ theo thời gian học thực tế, người lao động được hỗ trợ mức phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.

Mức hỗ trợ này đã tăng so với quy định trước đây là không quá 1 triệu đồng/tháng, không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ mới này đã giúp người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo nghề miễn phí cho người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Vào năm 2009, thời điểm đầu tiên triển khai bảo hiểm thất nghiệp, chính sách đã thu hút 5,9 triệu người tham gia. Cao điểm nhất là thời điểm năm 2020, khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hơn 1 triệu người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tính từ năm 2015 - thời điểm Luật Việc làm có hiệu lực - đến nay, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm đạt hơn 11,5 triệu lượt người, trong đó, khoảng hơn 1,4 triệu lượt người được giới thiệu việc làm.