Động thái này đã khơi lên những bất đồng giữa các nước thành viên và đặt EU trước thách thức củng cố tình đoàn kết nội khối.
Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine, một trong những vựa lương thực của thế giới, đã bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, để hạn chế những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine đối với an ninh lương thực toàn cầu, Ủy ban châu Âu (EC) đã thiết lập các “làn đường đoàn kết” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu của Ukraine.
Thách thức về mất an ninh lương thực toàn cầu
Đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu của nền kinh tế Ukraine vốn đang gặp nhiều khó khăn, bởi xuất khẩu nông sản là nguồn thu quan trọng. Nhờ sáng kiến nêu trên, ngũ cốc từ Ukraine được trung chuyển bằng đường bộ qua các quốc gia láng giềng EU, từ đó vận chuyển sang nhiều khu vực trên thế giới. Để tạo điều kiện cho Kiev, EU cũng loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với ngũ cốc Ukraine xuất khẩu sang 27 nước thành viên.
Tuy nhiên, một tỷ lệ đáng kể nông sản Ukraine sau khi vào EU không được xuất khẩu tiếp mà được bán phá giá tại các nước thành viên, tác động trực tiếp ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia. Bất bình vì hoạt động sản xuất và kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực do ngũ cốc giá rẻ tràn ngập thị trường, hàng nghìn nông dân đã tiến hành các cuộc biểu tình phản đối. Nhiều người thậm chí đã dùng xe tải và máy kéo chặn đoàn xe vận chuyển ngũ cốc của Ukraine vào EU.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ các nước Hungary, Ba Lan, Slovakia và Bulgaria vừa áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc và nông sản từ Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban (V.Ô-ban) nhấn mạnh, nếu hoạt động nhập khẩu tiếp tục diễn ra, nông dân quốc gia Trung Âu này sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Theo Budapest, lệnh cấm sẽ kết thúc vào cuối tháng 6 tới. Trong khi đó, giới chức Bulgaria cũng cho biết, thời gian qua, một lượng lớn nông sản Ukraine không được xuất khẩu sang nước thứ ba mà tiêu thụ ngay tại nước này, gây gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, Sofia buộc phải áp dụng các lệnh cấm để bảo vệ ngành nông nghiệp khỏi những biến động trên thị trường.
Trước đó, một số nước thành viên EU tại khu vực Trung và Đông Âu như Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria cũng yêu cầu EU thiết lập công cụ hỗ trợ mua ngũ cốc giá rẻ của Ukraine, cũng như áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine vào thị trường chung của khối. Bộ Nông nghiệp Slovakia nhấn mạnh, EU cần nhanh chóng hành động vì trong vài tháng nữa vụ thu hoạch ngũ cốc sẽ bắt đầu ở EU. Với tình trạng dư thừa hiện nay trên thị trường, các nước thành viên sẽ không đủ khả năng lưu trữ và bảo quản lúa mì sắp thu hoạch.
Tuy nhiên, động thái cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine của một số quốc gia thành viên đang vấp phải những ý kiến trái chiều. EC cho rằng, đây là hành động đơn phương và “không thể chấp nhận”, đồng thời kêu gọi các nước phối hợp giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Séc cũng cho biết, nước này không có kế hoạch cấm nhập khẩu ngũ cốc, cũng như các nông sản khác từ Ukraine. Praha khẳng định, tác động của hoạt động nhập khẩu nông sản từ Ukraine cần được xử lý bằng giải pháp đồng bộ của EU, thay vì ban hành lệnh cấm riêng rẽ như một số nước thành viên đang thực hiện.
Trên thực tế, hồi tháng trước, EC đã quyết định trả 56,3 triệu euro bồi thường nông dân các nước Ba Lan, Bulgaria và Romania do làn sóng nông sản giá rẻ từ Ukraine tràn vào. Tuy nhiên, ước tính, nông dân các nước Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia đã chịu tổng thiệt hại lên đến 417 triệu euro. Vì vậy, trước sức ép từ một số nước thành viên, trong tuyên bố mới nhất, EU thông báo dự kiến đền bù 100 triệu euro cho nông dân tại các nước có đường biên giới với Ukraine, đồng thời xem xét kế hoạch hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Người phát ngôn EC cho biết, khối này sẽ áp dụng cái gọi là “các biện pháp phòng vệ” dành cho một số loại ngũ cốc và hạt dầu, nhất là bột mì, ngô, hạt hướng dương và cải dầu. Theo quy định, EU có thể đưa ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu vào một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ khối, trong khi vẫn cho phép quá cảnh.
Giới phân tích nhận định, hỗ trợ tài chính là giải pháp ngắn hạn giúp xoa dịu những bất đồng giữa các quốc gia thành viên liên quan vấn đề nhập khẩu nông sản Ukraine. Về lâu dài, EU cần đưa ra giải pháp cân bằng thị trường nông sản, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân tại các nước đang bị ảnh hưởng trực tiếp, cũng như tạo lối đi cho nông sản của Ukraine ra thị trường ngoài EU.