UAE trồng lúa mì trên sa mạc để cải thiện an ninh lương thực

Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã xây dựng một trang trại rộng 400ha ở thị trấn Mleiha của Sharjah để trồng lúa mì và sử dụng nước khử muối để tưới tiêu.
0:00 / 0:00
0:00
Cây lúa mì được trồng tại trang trại ở thị trấn Mleiha. (Nguồn: Reuters)
Cây lúa mì được trồng tại trang trại ở thị trấn Mleiha. (Nguồn: Reuters)

Trong bối cảnh xung đột và đại dịch làm gia tăng lo ngại thiếu năng lực sản xuất, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tìm cách tăng cường để đảm bảo tại quốc gia đất đai khô cằn và phải nhập khẩu 90% lương thực này.

Năm ngoái, Chính phủ UAE đã xây dựng một trang trại rộng 400ha ở thị trấn Mleiha của Sharjah và sử dụng nước khử muối để tưới tiêu.

Trang trại Mleiha dự kiến sẽ đạt sản lượng khoảng 1.600 tấn lúa mì/năm, một bước tiến tới mục tiêu lớn hơn của quốc gia vùng Vịnh sản xuất dầu này là tăng cường trồng trọt.

Trang trại không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất và hạt giống biến đổi gene.

Giới chức cho biết chi phí năng lượng để sản xuất 18.000m3 nước khử muối dùng cho tưới tiêu mỗi ngày sẽ tăng ít hơn khi dự án mở rộng quy mô lên tới 1.400ha vào năm 2025 và tiến tới 1.900ha.

Trang trại sử dụng trí tuệ nhân tạo và hình ảnh nhiệt để thu thập dữ liệu về thời tiết và thổ nhưỡng nhằm điều chỉnh tốc độ tưới và theo dõi quá trình tăng trưởng của cây trồng.

Trang trại cũng bao gồm các cánh đồng thử nghiệm 35 loại lúa mì khác nhau từ khắp nơi trên thế giới trải rộng trên 2ha để tìm hiểu khả năng phù hợp đất và thời tiết của UAE.

UAE trồng lúa mì trên sa mạc để cải thiện an ninh lương thực ảnh 1

Hệ thống khử muối dùng cho tưới tiêu. (Nguồn: Reuters)

Lãnh đạo cơ quan Nông nghiệp và Chăn nuôi của Sharjah, ông Khalifa Alteneiji, cho biết động lực thúc đẩy UAE trồng lúa mì là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong vài năm qua do đại dịch Covid-19 và xung đột Ukraine-Nga.

Theo số liệu của chính phủ, UAE, gồm 7 tiểu vương quốc, đã nhập khẩu 1,7 triệu tấn lúa mì vào năm 2022, trong đó Sharjah nhập 330.000 tấn.

UAE, nơi sẽ tổ chức Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) năm nay, đang có kế hoạch sản xuất thực phẩm với định hướng tái chế nước và giảm chất thải.