EU ra mắt công cụ đánh giá hiệu quả truy vết và giải ngân quỹ phục hồi hậu Covid-19

NDO -

Liên hiệp châu Âu (EU) ngày 28/6 đã chi khoản tiền mặt đầu tiên từ quỹ phục hồi hậu Covid-19 dưới hình thức trợ cấp để tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nền kinh tế bị tàn phá do đại dịch. 

Chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Getty Images)
Chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Getty Images)

Liên hiệp châu Âu (EU) ngày 28/6 đã chi khoản tiền mặt đầu tiên từ quỹ phục hồi hậu Covid-19 dưới hình thức trợ cấp để tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nền kinh tế bị tàn phá do đại dịch.

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã giải ngân khoản tiền mặt đầu tiên từ nguồn quỹ hỗ trợ cho 16 quốc gia thành viên, trong đó có Pháp, Đức, Đan Mạch, Estonia và Cộng hòa Séc. Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách ngân sách EU Johannes Hahn nhấn mạnh: “Tôi rất vui vì chúng tôi đã thành công trong việc bắt đầu giải ngân quỹ phục hồi với tên gọi "Thế hệ tiếp theo của EU" (Next Generation EU) theo kế hoạch”.

Tại hội nghị cấp cao vào tháng 12/2020, EU đã đạt được sự đồng thuận lịch sử là gộp nợ chung - được chia sẻ giữa các thành viên EU nhằm giảm chi phí đi vay cho các thành viên yếu hơn - để tài trợ cho gói phục hồi trị giá gần 700 tỷ euro.

Trong gói hỗ trợ này, 500 tỷ euro sẽ được chi dưới dạng tài trợ cho các nước và 250 tỷ euro dưới dạng các khoản tín dụng. Trong 500 tỷ euro tài trợ, 310 tỷ euro sẽ được đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi kinh tế số và kinh tế xanh. Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trước đó, ngày 15-6, EU thông báo đã huy động được 20 tỷ euro (khoảng 24 tỷ USD) đầu tiên cho quỹ phục hồi. Đến cuối năm nay, EU dự kiến sẽ phát hành trái phiếu và tín phiếu với giá trị 100 tỷ euro nhằm cung cấp nguồn tài chính cho các khoản tài trợ và cho vay theo kế hoạch trong năm nay.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát triển một công cụ để đánh giá hiệu quả của các biện pháp truy vết tiếp xúc đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo thông báo ngày 28/6 của ECDC, công cụ này được mô tả như một khung chỉ số, sẽ cung cấp cho các nước phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn để đánh giá việc sử dụng các giải pháp truy vết kỹ thuật số. Công cụ này cũng sẽ đánh giá các giải pháp truy vết đã hỗ trợ ở mức độ nào đối với các chiến lược truy vết Covid-19 mà các nước đã áp dụng. 

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, các nước trên thế giới đã sử dụng các công nghệ tiên tiến để hỗ trợ việc thực hiện các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng. Truy vết kỹ thuật số, bằng cách sử dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác phát hiện các cuộc tiếp xúc giữa các cá nhân và sau đó đưa ra cảnh báo, đã nổi lên như một phương tiện hỗ trợ mới cho các chương trình truy vết tiếp xúc.

Theo giới chức WHO và ECDC, khung chỉ số mới cung cấp cho các nước cách tiếp cận tiêu chuẩn hóa để thu thập bằng chứng và đánh giá đóng góp mà công nghệ truy vết kỹ thuật số đã mang lại cho các nỗ lực truy vết tiếp xúc với Covid-19 ở quy mô lớn.

Điều quan trọng là phải đánh giá hiệu quả của biện pháp truy vết đối với sức khỏe cộng đồng, từ đó tìm cách sử dụng công nghệ này một cách tốt nhất, đặc biệt là áp dụng cho các đại dịch có thể xảy đến trong tương lai.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 9 giờ ngày 29-6 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 182.180.213 ca mắc, 3.945.098 ca tử vong

Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.511.380 ca mắc, 619.596 ca tử vong
2. Ấn Độ: 30.316.000 ca mắc, 397.668 ca tử vong
3. Brazil: 18.386.894 ca mắc, 514.202 ca tử vong
4. Pháp: 5.770.530 ca mắc, 111.012 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.472.941 ca mắc, 133.893 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 2.135.998 ca mắc, 57.561 ca tử vong 
2. Philippines: 1.403.588 ca mắc, 24.456 ca tử vong
3. Malaysia: 739.266 ca mắc, 5.001 ca tử vong 
4. Thái Lan: 249.853 ca mắc, 1.934 ca tử vong 
5. Myanmar: 154.385 ca mắc, 3.309 ca tử vong  
6. Singapore: 62.553 ca mắc, 36 ca tử vong
7. Campuchia: 48.532 ca mắc, 556 ca tử vong
8. Việt Nam: 16.041 ca mắc, 76 ca tử vong
9. Lào: 2.110 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 259 ca mắc, 03 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 55.546.298 ca mắc, 787.104 ca tử vong
2. Châu Âu: 47,852,398 ca mắc, 1,100,273 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 40.547.558 ca mắc, 916.899 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 32.673.108 ca mắc, 997.481 ca tử vong
5. Châu Phi: 5.486.324 ca mắc, 142.050 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 73.806 ca mắc, 1.276 ca tử vong

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư