Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh, trong vài năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh.
Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững.
Cụ thể, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, nhất là tập trung vào sản xuất sản phẩm xanh và sản phẩm được gắn nhãn xanh bởi tổ chức uy tín trong nước.
Đề cập đến những xu thế ESG toàn cầu, đại diện Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển bền vững và hiệu quả vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp thực hành ESG.
So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng như chính trị-xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường khoảng 100 triệu dân với tầng lớp khá giả ngày càng tăng.
Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hiệp ước thương mại cũng được xem là điểm mạnh của môi trường kinh doanh tại Việt Nam...
Thông qua sự kiện này, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ hỗ trợ, cung cấp cho các doanh nghiệp nhiều thông tin bổ ích trong việc triển khai ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với tính bền vững, xem đây là cơ hội để phát triển thay vì nghĩa vụ.
Đồng thời, việc ứng dụng ESG vào hoạt động, sản xuất kinh doanh cũng giúp doanh nghiệp nâng cao tính bền vững trong chuỗi cung ứng, không những giảm chi phí, tăng năng suất mà còn tạo ra một hệ sinh thái bền vững.