Áp dụng ESG để phát triển bền vững

Báo cáo mới nhất của Công ty kiểm toán PwC về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị cho thấy, có đến 80% số doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các cam kết ESG hoặc dự định xây dựng bộ tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất cập cần khắc phục để đẩy nhanh tốc độ áp dụng ESG tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện ESG - phát triển bền vững. Ảnh: NAM ANH
Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện ESG - phát triển bền vững. Ảnh: NAM ANH

ESG đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Đặc biệt, khi Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu với thiệt hại ước tính là 523 tỷ USD, tương đương với 14,5% GDP vào năm 2050. Các doanh nghiệp nhanh chóng tìm cách xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn ESG sẽ có được lợi ích và những cơ hội thị trường lớn vì từ 2016-2030, Việt Nam có thể thu hút nguồn vốn trị giá 753 tỷ USD đầu tư vào khí hậu. Gần đây, Việt Nam cũng nhận được cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD của G7 nhằm cắt giảm việc sử dụng than. Kèm theo đó là 1,7 tỷ USD là doanh thu mà các tổ chức tài chính có được từ việc phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án ESG. Đặc biệt, trong năm 2021, Việt Nam đứng thứ 2 trong phát hành trái phiếu xanh tại ASEAN với con số 1,5 tỷ USD, cao gấp 5 lần so năm 2020. Điều này cho thấy mức độ quan tâm ngày càng lớn đến yếu tố xanh và tiêu chuẩn ESG.

Sau COP26, ESG thường đề cập đến các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu và khan hiếm tài nguyên. Tuy nhiên, trên thực tế khảo sát của công ty kiểm toán PwC cho thấy điều này chưa chính xác tại Việt Nam. Khi được yêu cầu xếp hạng ba yếu tố ESG về mức độ quan trọng, 62% xếp hạng G-Quản trị là ưu tiên hàng đầu trong chương trình. Trong khi các yếu tố E-Môi trường và S-Xã hội theo sau với lần lượt là 22% và 16%. Nhưng báo cáo gần đây cho thấy mặc dù G-Quản trị trong ESG có tác động nhiều hơn đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn hạn (1 năm) nhưng trong thời gian dài hơn, cả ba yếu tố này đều rất quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Sử dụng dữ liệu trong khoảng thời gian 13 năm, nghiên cứu của công ty nghiên cứu dữ liệu đầu tư MSCI cho kết quả rằng, điểm số ESG tổng thể tổng hợp trọng số theo ngành cụ thể của cả ba yếu tố E, S và G có kết quả dài hạn tốt hơn bất kỳ chỉ số riêng lẻ nào. Và để nhanh chóng áp dụng kết hợp cả ba yếu tố ESG các doanh nghiệp cần chú ý đến những vấn đề sau:

Thứ nhất, định hình cụ thể chương trình triển khai ESG. Các chương trình ESG giúp định hình mục đích ESG của doanh nghiệp. Ở mức thấp nhất, các doanh nghiệp phải hiểu và tuân thủ các tiêu chuẩn về ESG.

Thứ hai, cần có khuôn khổ quản trị mạnh mẽ và chặt chẽ. Mặc dù 49% số doanh nghiệp được khảo sát có một cấu trúc chính thức về các vấn đề ESG, nhưng vấn đề quản trị của họ đều phân tán. Chỉ có 24% cho biết, họ hiện sở hữu cơ cấu quản trị rõ ràng với các cam kết và nghĩa vụ ESG, vai trò và trách nhiệm cũng như KPI...

Thứ ba, cần tận dụng hết khả năng để thúc đẩy các cam kết ESG. Tác động lớn nhất trong việc bảo đảm ESG là được ưu tiên ở cấp Hội đồng quản trị của doanh nghiệp, nơi có thể quản lý, phân bổ các nguồn lực và định hướng sự chú ý thích hợp. Các vị trí lãnh đạo như lãnh đạo ESG hoặc Giám đốc Phát triển bền vững (CSO) cũng giúp thúc đẩy và thực hiện các sáng kiến ESG.

Thứ tư, cần có mục tiêu và chỉ số ESG để tạo ra kết quả mong muốn. Người tiêu dùng, nhà đầu tư và chính phủ cần hiểu và khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động tốt trên ESG. Các doanh nghiệp phải hiểu rõ ràng về các rủi ro ESG và cách những rủi ro này có thể tác động đến hoạt động kinh doanh. Mặc dù ESG có thể là một khía cạnh mới trong quản lý rủi ro, việc tìm ra cách tích hợp rủi ro ESG vào Khung quản lý rủi ro sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Thứ năm, cần dẹp bỏ rào cản về dữ liệu. Để đánh giá tác động liên quan ESG, các doanh nghiệp cần có dữ liệu chính xác và kịp thời. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của PwC cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam (71%) chưa bắt đầu hoặc mới chỉ có nhận thức về những dữ liệu ESG cần thiết thu thập.

Cuối cùng, cần xác định yếu tố quan trọng và bảo đảm độc lập trong báo cáo ESG. Yếu tố ESG là một cánh cửa mở vào tương lai đối với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, xác định đâu là yếu tố quan trọng trong báo cáo ESG là một thách thức. Hiện tại, có sự không kết nối giữa đánh giá dữ liệu và báo cáo thực tế. Trong khi hơn một nửa (53%) số doanh nghiệp Việt Nam được hỏi cho biết, họ đã đánh giá dữ liệu cần thiết cho báo cáo bên ngoài thì chỉ 30% đã thực hiện báo cáo/công bố ESG.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tụt hậu so với các đối tác toàn cầu trong việc tìm kiếm sự bảo đảm độc lập trong báo cáo ESG. Điều này rất quan trọng để xây dựng lòng tin và bảo đảm sự tham gia hiệu quả của các bên liên quan, đặc biệt là với cộng đồng đầu tư. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác cần xem xét như khoảng cách kiến thức giữa các doanh nghiệp về ESG, thiếu hướng dẫn cụ thể và chính sách có liên quan, hay kỹ năng để đáp ứng những nhu cầu mới khi áp dụng ESG... Nhanh chóng khắc phục những vấn đề trên sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, có sự đổi mới và khác biệt, nhanh chóng đủ điều kiện hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

ESG là hướng dẫn cho các bên liên quan để hiểu rõ cách một tổ chức quản lý rủi ro và các cơ hội trên ba khía cạnh: E-Môi trường, cho biết năng lượng mà doanh nghiệp tiếp nhận và chất thải ra môi trường hay những nguồn tài nguyên tự nhiên cần thiết để doanh nghiệp duy trì hoạt động; S-Xã hội, thể hiện các mối quan hệ và danh tiếng của doanh nghiệp thông qua các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên khắp các cộng đồng; G-Quản trị, thể hiện cơ chế giám sát, kiểm soát, thủ tục và thông lệ cần thiết để quản lý và đưa ra các quyết định hiệu quả vì lợi ích chung của doanh nghiệp.