"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp"

Human Act Prize 2023:

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp"

NDO - Đêm Gala trao giải thưởng Hành động vì Cộng đồng của Báo Nhân Dân - Human Act Prize 2023 đã để lại nhiều dư âm đặc biệt; từ đó tạo động lực để các dự án nỗ lực hơn nữa, tạo sức lan tỏa tới cộng đồng để hướng tới một xã hội ngày càng tươi đẹp.

Tối 11/12, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội) diễn ra đêm Gala trao giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2023 với chủ đề "Dấu ấn tiên phong" do Báo Nhân Dân tổ chức.

Từ 35 hồ sơ dự án lọt vào Vòng Chung kết, Ban Giám khảo đã chọn ra 28 dự án xuất sắc nhất để trao giải. Tất cả các dự án vì cộng đồng đều xứng đáng được tôn vinh, bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Không chỉ các dự án thắng giải, các dự án còn lại đều cho thấy nỗ lực bền bỉ của các cá nhân, tổ chức vẫn đang thầm lặng cống hiến cho cộng đồng.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 1

Toàn cảnh đêm Gala trao giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2023.

Giải thưởng vinh danh các dự án ở các hạng mục như Dự án kịp thời, Dự án triển vọng, Dự án bền bỉ, Dự án truyền cảm hứng, Dự án Bền vững.

Hạng mục cao nhất là Giải Human Act Prize được trao cho 5 đơn vị là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai, Loréal Vietnam, Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn TH.

NHỮNG DỰ ÁN BỀN BỈ, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Sau khi nhận giải Human Act Prize 2023, ông Phan Diễn (86 tuổi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư), thành viên sáng lập, Chủ tịch danh dự dự án "Quỹ phòng cộng đồng tránh thiên tai", chia sẻ, ông đã bắt đầu đến với Quỹ từ cách đây 15 năm.

Khi đó ông 70 tuổi và không hề nghĩ mình già, chưa từng nghĩ mình chỉ ở nhà nghỉ ngơi. Chính vì vậy, ông đã cho mình công việc phù hợp với khả năng để đóng góp cho cộng đồng.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 2

Ông Phan Diễn xúc động chia sẻ trong buổi chấm chung khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng.

"Năm 2017, miền trung thiệt hại thiên tai nặng nề, sau khi tham gia cùng bạn bè quyên góp để cứu trợ khẩn cấp miền trung, chúng tôi trao đổi và nhận thấy nước mình năm nào cũng có thiên tại, nhưng chúng ta chỉ đợi thiên tai xảy ra mới quyên góp, ủng hộ. Như vậy thật bị động và không hiệu quả”, ông Phan Diễn cho biết.

Vậy nên, ông cùng những người bạn đã nảy ra ý tưởng xin phép nhà nước thành lập Quỹ phòng chống thiên tai miền trung, sau này đổi tên thành Quỹ cộng đồng phòng chống thiên tai và mở rộng phạm vi hoạt động ra cả nước.

Trong khi đó, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Tập đoàn TH, chia sẻ sự xúc động khi được thay mặt TH nhận giải thưởng danh giá. Đây là thành quả của tập đoàn đã gây dựng trong thời gian dài, chứ không phải “ngày một ngày hai”. Dự án "Thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam trên nền tảng phát triển bền vững, vì sức khỏe cộng đồng" được thực hiện bởi Công ty cổ phần Tập Đoàn TH.

Bước vào ngành sữa tươi khi Việt Nam có tới 92% sản phẩm sữa nước là sữa bột pha lại và cuộc khủng hoảng sữa nhiễm Melamine tại Trung Quốc gây nhức nhối dư luận toàn cầu, TH đã tạo nên cuộc cách mạng về sữa tươi sạch, giúp minh bạch hóa ngành sữa và mang lại nguồn sữa dinh dưỡng cho hàng triệu trẻ em Việt Nam.

Bằng việc khởi dựng trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với 70.000 con, TH đã đưa Việt Nam từ một nước chưa có tên trên bản đồ sản xuất sữa trở thành quốc gia sở hữu "Cụm trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới" (Chứng nhận bởi World Records Union năm 2020).

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 3

Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Tập đoàn TH chia sẻ về hành trình dài hơi của Tập đoàn.

Trong quá trình bền bỉ ấy, TH luôn nhận thức được niềm vinh dự khi đem lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, tạo ra sự thay đổi về nhận thức về sữa sạch và dinh dưỡng đúng nghĩa. Đây là sự thay đổi lớn và TH luôn nỗ lực hết sức để minh bạch hóa thị trường sữa. Đóng góp cho cộng đồng là quá trình dài, nhưng như vậy mới đủ để tạo ra cuộc cách mạng trong công nghiệp chăn nuôi bò sữa.

“Phải bắt đầu từ những tư duy đột phá và kết hợp các yếu tố như tận dụng nguồn tài nguyên, trí tuệ người Việt, thay đổi công nghệ trên thế giới”, ông Ngô Minh Hải nhấn mạnh.

Giành giải thưởng ở hạng mục đặc biệt (Human Act Prize), dự án Hành động Khắc phục Hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy-NPA) đã cho thấy sự bền bỉ để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 4

Jan Erik Stoa, Giám đốc quốc gia NPA Việt Nam không giấu nổi niềm vui khi lần đầu tiên được nhận một giải thưởng vì cộng đồng tại Việt Nam.

Bắt đầu được thiết lập tại Việt Nam từ năm 2007, NPA hướng tới giải quyết những hậu quả lâu dài của bom mìn, vật nổ đang ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh kế người dân trên khắp đất nước.

Tính đến nay, gần 35.000 vật liệu nổ được phát hiện và xử lý an toàn. Các hoạt động của NPA đã hỗ trợ trực tiếp đến 11.078 phụ nữ, 8.791 trẻ em gái, 11.483 đàn ông và 8.957 trẻ em trai.

Đứng trên bục nhận giải, ông Jan Erik Stoa, Giám đốc quốc gia NPA Việt Nam không giấu nổi sự xúc động. Với tư cách là một người nước ngoài đã nhiều năm sinh sống ở Việt Nam, ông rất vui mừng khi những công việc hằng ngày được ghi nhận. Ông nói: "Chúng tôi chưa từng được nhận giải thưởng nào như thế này. NPA hy vọng sẽ tiếp tục những công việc hiện tại để phối hợp với Chính phủ Việt Nam để hoàn thành tốt hơn dự án".

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 5

Những cô gái phá bom của NPA/RENEW tại Quảng Trị.

Đặc biệt, trong hoạt động thực địa, NPA Việt Nam cũng thành lập được 2 "tiểu đội" rà phá bom mìn gồm toàn nữ, qua đó khẳng định vai trò của phái yếu, đồng thời tạo cảm hứng cho cả cộng đồng. Tính đến nay, trong tổng số 450 nhân viên của NPA đang hoạt động tại Việt Nam có đến 34% là nữ. Nữ giới cũng tham gia vào nhiều cấp độ công việc khác nhau, kể cả những nhiệm vụ khó khăn nhất ngoài thực địa.

Nhận giải thưởng Human Act Prize cho Chương trình hành động Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Vinamilk chi nhánh Hà Nội cho biết: Để thực hiện NetZero đòi hỏi đầu tư và kinh nghiệm lớn. Vinamilk đã đặt ra mục tiêu dài hạn vào năm 2050, thông qua những mục tiêu ngắn hạn để thành công. Trong quá trình thực hiện, đã có rất nhiều khó khăn nhưng Vinamilk xác định đây là con đường tất yếu, và để thực hiện, cần sự đoàn kết rất cao từ lãnh đạo tới nhân viên.

Chương trình hành động Vinamilk Pathways to Dairy Net Zero được Công ty cổ phần sữa Việt Nam khởi xướng nhằm tạo ra bước tiến trong cuộc đua chống lại biến đổi khí hậu. Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam thực hiện đo lường và kiểm kê phát thải nhà kính theo tiêu chuẩn ISO cho 13 nhà máy và 13 trang trại.

Cuối tháng 5/2023, Nhà máy sữa Nghệ An và Trang trại bò sữa Nghệ An của Vinamilk đạt chứng nhận trung hòa Carbon, trở thành nhà máy và trang trại đầu tiên trong ngành sữa Việt Nam đạt được cột mốc quan trọng này.

GIEO YÊU THƯƠNG CHO NHỮNG NGƯỜI YẾU THẾ

Đại diện L’Oreal chia sẻ: Công ty rất vinh dự và tự hào khi có mặt để nhận giải thưởng ý nghĩa và quan trọng. Từ 15 năm trước, công ty đã khởi xướng với mục đích nhằm tôn vinh và trao quyền cho phụ nữ, lan tỏa tới nhiều quốc gia trên thế giới, học hỏi mô hình. Với mục đích cao đẹp, L’Oreal muốn triển khai chương trình mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.

Dự án Vì cuộc sống tốt đẹp hơn (Beauty For A Better Life) đã đào tạo những người phụ nữ khó khăn có cơ hội học nghề để có thể có nghề nghiệp, cải thiện cuộc sống. Đây được xem là mô hình sinh kế bền vững hiệu quả và quy mô nhất khi đào tạo cho 11.200 học viên, tạo ra 9.000 việc làm trực tiếp và 4.500 việc làm gián tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có một chương trình đào tạo tóc bài bản, chính quy trên diện rộng cho đối tượng yếu thế.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 6

Đại diện L’Oreal khẳng định những giá trị tốt đẹp mà công ty tạo dựng được tại Việt Nam đã lan tỏa sang tầm quốc tế.

Nhận giải thưởng ở hạng mục Ý tưởng vì Cộng đồng, đại diện dự án “Tủ thuốc cho em” của Công Ty Cổ Phần Genestory Carbamazepine (CBZ) cho biết, Carbamazepine (CBZ) là thuốc điều trị động kinh có hiệu quả cao, rẻ tiền nhưng nguy cơ gây ra các tổn thương nặng. Xét nghiệm gen là biện pháp giúp bác sĩ đưa ra lộ trình điều trị phù hợp với kiểu gen của bệnh nhân. Công ty GeneStory đã kết nối với Quỹ Thiện Tâm đưa ra giải pháp sàng lọc gen miễn phí đến các gia đình khó khăn đang có trẻ điều trị động kinh.

Dự án đã triển khai tại 5 bệnh viện công hàng đầu Việt Nam, tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm sàng lọc miễn phí cho gần 2.000 bệnh nhi đến từ hơn 50 tỉnh thành trên cả nước. Xét nghiệm có gần 25% trường hợp dương tính, tương đương với 500 trẻ em đã được tạo một “hồ sơ sử dụng thuốc an toàn” trọn đời.

Khẳng định tầm quan trọng của việc xét nghiệm về gene để đưa hệ thống phòng bệnh lên trước chữa bệnh, đại diện dự án cho rằng điều này góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo trong khám chữa bệnh, bởi phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh.

Nhận giải thưởng ở hạng mục Dự án triển vọng, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc dự án Thiên thần TokyoLife của Công ty cổ phần IntelLife chia sẻ: Ở Hà Nội, có một xưởng may được gọi với cái tên thân thương “Xưởng may thiên thần” với phần lớn nhân lực là người khuyết tật. Ngoài âm thanh đều đặn của máy may, nơi đây còn tràn ngập tiếng cười của những mảnh đời kém may mắn.

TokyoLife gọi những người khuyết tật đang làm việc tại công ty là những “thiên thần”, bởi họ hoàn toàn có khả năng làm ra những giá trị tuyệt vời không chỉ về vật chất mà còn tinh thần. Đào tạo kỹ năng với người khuyết tật là một việc khó khăn, TokyoLife là đơn vị tiên phong xây dựng quy trình tuyển đào tạo và hội nhập dành riêng cho nhóm nhân sự đặc biệt này.

Bà Hạnh cho biết, bản thân luôn tìm tòi làm sao đem lại niềm hạnh phúc cho mọi người trong công ty. Do đó, khi được ban lãnh đạo giao nhiệm vụ làm sao cho “mấy nghìn người trong công ty có được hạnh phúc”, những nỗ lực của bà đã được công nhận, và bản thân mình được yêu thương, trìu mến gọi với cái tên “Giám đốc Hạnh phúc”.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 8

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc dự án Thiên thần TokyoLife tại đêm Gala trao giải.

Có mặt tại Gala trao giải, thông qua ngôn ngữ ký hiệu, “thiên thần” Gia Nguyên đã chia sẻ hành trình tìm đến hạnh phúc của mình với sáng kiến “Thiên thần”. Gia Nguyên bắt đầu làm ở công ty khi được biết nơi đây đang mang lại lợi ích cho người khuyết tật.

Gia Nguyên cho biết em hạnh phúc vì được công ty quan tâm, khi môi trường và công việc tại đây luôn mang lại lợi ích cho các bạn. Đặc biệt, ở đây không chỉ có công việc mà còn có nhiều dự án để người khuyết tật và không khuyết tật có sự bình đẳng như nhau.

Trong khi đó, dự án Nuôi em của anh Hoàng Hoa Trung cũng nhận giải thưởng ở hạng mục này. Thay mặt dự án, em Lờ Nguyễn Hương Giang, người dân tộc Mông, 19 tuổi, Nghệ An chia sẻ là người dân tộc Mông ở miền tây Nghệ An còn nhiều khó khăn, bản thân em cùng các bạn đồng trang lứa đã gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình học tập.

Hiện là sinh viên năm 2, nhưng trước khi bước đến giảng đường đại học, Hương Giang đã từng chứng kiến thực trạng quê hương mình nhiều bạn bè là người dân tộc thiểu số khi học hết cấp 3, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã cản trở các bạn đến với ước mơ đại học.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 9

Mang trên mình trang phục truyền thống dân tộc, em Lờ Nguyễn Hương Giang nói về cơ duyên đến với dự án Nuôi em.

“Khi bước vào năm nhất đại học, em đã rất trăn trở phải làm thể nào để giúp đỡ các bạn tiếp tục ước mơ học vấn. Và cơ duyên đã dẫn em đến với dự án “Nuôi em” của anh Hoàng Hoa Trung, trong đó dự án hỗ trợ đỡ đầu laptop cũ cho các bạn học sinh dân tộc thiểu số”, Hương Giang bày tỏ.

Hiện giữ vai trò quản lý chính của dự án, Hương Giang cho biết, dự án đã kêu gọi được gần 200 laptop cũ chỉ trong vòng 1 năm để dành tặng các bạn sinh viên người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho các bạn tiếp bước con đường học vấn một cách thuận lợi hơn.

Trong khi đó, với mong muốn thay mẹ Loan tri ân quê hương mình bằng con đường hỗ trợ giáo dục, nhà văn Isabelle Müller - con gái út của bà đã thành lập Quỹ LOAN để giúp đỡ trẻ em thuộc diện yếu thế nhất tại Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 10

Nhà văn Isabelle Müller, người sáng lập quỹ LOAN-dự án được trao giải ở Hạng mục Truyền cảm hứng.

100% trường hợp hỗ trợ đều được Quỹ kiểm tra thực tế và theo dõi hiệu quả tác động tới các em. Trong 7 năm, Quỹ đã triển khai 39 dự án tại 8 tỉnh thành. Gần 5.000 trẻ em Việt hưởng sự giúp đỡ trực tiếp, 23 trẻ mồ côi và trẻ em khác tìm được người bảo trợ tại Đức.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân bên lề Gala trao giải, bà Isabelle cho biết: Cống hiến cho cộng đồng là điều tất cả các dự án tham gia Human Act Prize đều muốn hướng tới.

"Đã không hề có sự ganh đua nào và chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi làm được điều tích cực cho xã hội Việt Nam. Điều này khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn và không hề cảm thấy cô đơn trong hành trình này", bà nhấn mạnh.

"ĐỪNG NGẬP NGỪNG KHI LÀM VIỆC THIỆN, ĐỪNG CHẦN CHỪ KHI LAN TỎA CÂU CHUYỆN TỐT ĐẸP TRONG CUỘC SỐNG"

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 11

Đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ tại đêm Gala.

Lễ trao giải thưởng Hành động vì cộng đồng (Human Act Prize) không chỉ dừng lại ở đêm trao giải mà còn tiếp tục theo nhiều cách thức khác nhau với việc lan toả nhiều câu chuyện tốt đẹp, nhiều hành động nhân văn, những dự án cộng đồng vẫn chưa được biết đến. Qua đó góp phần truyền động lực và trở thành nguồn lực, sự sẻ chia và đoàn kết giữa con người với con người trong cùng một cộng đồng.

Theo nhận định của đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức giải: "Có thể nói, trong năm đầu tiên, giải thưởng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, kể cả những đơn vị trong nước và quốc tế tham gia tích cực. Chúng tôi hy vọng với sự thành công của năm đầu tiên, giải thưởng sẽ được tổ chức thường kỳ, chuyên nghiệp hơn, quy củ hơn và quan trọng hơn cả là nhận được sự quan tâm của cộng đồng đến với con người đã tiên phong và bền bỉ đóng góp cho xã hội”.

Đồng chí khẳng định: Khi chúng ta đang ngồi đây, trong một không gian rất sang trọng của Nhà hát Hồ Gươm thì bên ngoài có nhiều đồng bào gặp khó khăn từ những vấn đề trong cuộc sống, hoặc do bão lũ thiên tai.

"Nhiều mảnh đất đang phải đối diện với cảnh nước ngập trắng, thiệt hại rất lớn về người và của. Cuộc sống của người dân còn nhiều vấn đề mà xã hội cần phải quan tâm, chung tay giúp đỡ như làm thế nào để nuôi con chữ cho trẻ em vùng cao, làm thế nào để giải bài toán về rác thải nhựa, những con sông đang kêu cứu vì ô nhiễm.

Những câu hỏi thực tế đấy đã thôi thúc chúng ta phải làm gì đó, tìm cách nào đó để giúp đỡ, thay đổi hoàn cảnh sống gian nan của nhiều đồng bào khắp mọi miền đất nước và giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize ra đời bắt nguồn từ những vấn đề như vậy", đồng chí chia sẻ.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 12

Anh Phạm Quốc Việt, đại diện dự án FAS Angel nhận giải thưởng. FAS Angel là những người trong màu áo cam không quản gió rét, mưa dầm túc trực tại các con phố, sẵn sàng lao đi cứu người bất cứ khi nào có cuộc gọi.

2023 là năm đầu tiên giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize được Báo Nhân Dân khởi xướng, cùng VCCorp phối hợp tổ chức và được đồng hành, cổ vũ bởi các tổ chức, doanh nghiệp như ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)... Human Act Prize nỗ lực tìm những cá nhân tiên phong, những người dám đi những bước đầu tiên trên một hành trình đầy khó khăn và thử thách.

Trong số gần 130 hồ sơ gửi về ban tổ chức có nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị đã bắt đầu hành trình của mình một cách thầm lặng từ nhiều thập kỷ trước.

Họ vừa làm, vừa thử nghiệm, điều chỉnh, tìm cách cải tiến dự án của mình ngày một bài bản, chuyên nghiệp nhằm tạo ra những tác động mạnh mẽ, nhờ đó mang lại nhiều thay đổi cho một vùng hay chỉ đơn giản là giúp đỡ những mảnh đời cá nhân.

Chính sự trăn trở, lòng tin kiên định và sự nhiệt huyết của họ là nguồn cảm hứng đối với những người tổ chức giải.

Trưởng Ban tổ chức giải chia sẻ, quá trình chấm giải bản thân ông rất xúc động khi chứng kiến một người đàn ông đã bước vào độ tuổi có thể nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng vẫn đội nắng, dầm mưa đi khảo sát công trình nước sạch, kiểm tra nhà chống lũ hơn 10 năm nay. Sự nhiệt huyết của người này đã khiến không chỉ đồng chí mà nhiều giám khảo của giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize hết sức cảm phục.

"Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, đừng chần chừ lan tỏa câu chuyện tốt đẹp" ảnh 14

Ảnh: Thành Đạt.

"Hay ngay lúc này đây, tôi biết rằng ở nhiều ngã tư tại Hà Nội vẫn đang có những người trong màu áo cam của đội cứu hộ tình nguyện không quản gió rét, mưa dầm túc trực tại các con phố, sẵn sàng lao đi cứu người bất cứ khi nào có cuộc gọi. Tôi thật sự ấn tượng về câu chuyện của người đội trưởng đội cứu hộ này, khi anh nói rằng có nhiều người từ giã cuộc đời trên tay anh. Chứng kiến nhiều số phận mong manh giữa lằn ranh sinh tử nên anh và các đồng đội đã không quản ngại đêm hôm, khó khăn để giành giật sự sống cho những người không may gặp nạn trên đường. Chúng tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khi được nghe đại diện các dự án kể về câu chuyện của họ", đồng chí Lê Quốc Minh chia sẻ.

Theo đồng chí, năm đầu tiên của giải thưởng Hành động vì cộng đồng không chỉ tìm kiếm những dự án mang tính hỗ trợ kịp thời, những dự án có khả năng lan tỏa mà còn tìm những đơn vị tiên phong, dám đi những bước đầu tiên để tìm ra mô hình phát triển, hướng tới sự bền vững, tạo ra sự thay đổi cả một vùng, một ngành kinh tế và thậm chí xa hơn nữa.

"Chúng tôi hy vọng rằng những giá trị mà Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng đang cố gắng thúc đẩy sẽ tạo được nguồn cảm hứng để cả xã hội cùng tham gia. Bất kỳ hành động nào vì cộng đồng, dù lớn hay nhỏ, cũng sẽ góp phần hướng đến mục tiêu lớn lao hơn mà tất cả chúng ta đều mong muốn - đó là một cuộc sống chất lượng và bền vững cho cả xã hội. Đừng ngập ngừng khi làm việc thiện, và đừng chần chừ khi lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp trong cuộc sống", đồng chí Lê Quốc Minh cho biết.

“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)

Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize
back to top