Đưa hàng Việt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã tổ chức các phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, khách hàng, người tiêu dùng nhằm phục vụ cho việc cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Đưa hàng Việt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mới đây, từ ngày 19 đến 21/7, Phiên chợ tổ chức tại Nhà văn hóa xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, đạt doanh thu hơn 150 triệu đồng. Đây là lần thứ 5 chương trình Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc huyện được Sở Công thương tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức, có 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với 30 gian hàng gồm các nhóm ngành hàng như: nước mắm, hải sản, giày dép, thực phẩm, nước giải khát, hóa mỹ phẩm…

Đưa hàng Việt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Hội chợ tổ chức đạt doanh thu hơn 150 triệu đồng.

Trong khuôn khổ hội chợ có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu nước mắm Phan Thiết Mũi Né, công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại Trần Khang Phong, chi nhánh Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh-Co.opmart Phan Rí Cửa.

Đưa hàng Việt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2

Phiên chợ Hàng Việt được tổ chức huyện đảo Phú Quý vào tháng 4

Trước đó, Sở Công thương tỉnh cũng tổ chức Phiên chợ hàng Việt tại huyện đảo Phú Quý vào tháng 4/2024. Tại huyện đảo, Phiên chợ có 20 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp ngoài tỉnh và 8 doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại-Dịch vụ Sài Gòn Phan Thiết (Co.opmart Phan Thiết); cơ sở sản xuất thương mại dịch vụ Bảo Long Bình Thuận; Công ty trách nhiệm hữu hạn Toàn Hương Phan Thiết; Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết; Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu nước mắm Phan Thiết-Mũi Né; hộ kinh doanh Hoa Sen; cơ sở sản xuất Tinh nghệ Đông Đan; Công ty trách nhiệm hữu hạn phân phối độc quyền Kim Quý.

Đưa hàng Việt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 3

Nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số tham quan, mua sắm tại phiên chợ.

Các gian hàng gồm các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân tại huyện đảo như: lương thực, thực phẩm, quần áo thời trang trẻ em, người lớn và người lao động; giày dép; hoá mỹ phẩm…

Sau 3 ngày tổ chức Phiên chợ, số lượng khách đến tham quan và mua sắm với hơn 11.000 lượt người, ước đạt doanh số bán hàng hơn 1,3 tỷ đồng. Riêng Co.opmart Phan Thiết đạt doanh số bán hàng trên 200 triệu đồng. Ban tổ chức trao tặng 10 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho học sinh nghèo học giỏi và trao 3,5 triệu đồng và 40 phần quà (mỗi phần quà trị giá 80.000 đồng) cho các hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở huyện đảo Phú Quý.

Đưa hàng Việt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 4

Các đại biểu, lãnh đạo tham quan hội chợ.

Thời gian tới, Phiên chợ từ khu vực sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tại huyện Tánh Linh vào quý 3. Tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội nghị, chương trình hợp tác, kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2024 vào tháng 12.

Ngoài ra, tổ chức tham gia các sự kiện, chương trình do Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện và hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm tại các sự kiện hội chợ, triển lãm.

Đối với Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia, trong quý 4 sẽ tổ chức 1 phiên chợ hàng Việt về hải đảo tại huyện Phú Quý, 1 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Bắc Bình.

Đưa hàng Việt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 5

Nhiều người dân tham dự Phiên chợ tại huyện đảo Phú Quý

Theo ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bình Thuận triển khai hoạt động đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo để thúc đẩy tốt hơn phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đây cũng được xem là một trong những hoạt động tích cực nhằm góp phần triển khai Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 35/KH-BCĐCVĐ ngày 11/10/2021 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Đối với doanh nghiệp thực hiện bán hàng trực tiếp tại Phiên chợ, việc quảng bá rất hiệu quả thương hiệu với chi phí thấp, có cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng ở hải đảo để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng.

Khách hàng được chính nhà sản xuất giới thiệu, tư vấn, giải thích chi tiết cách sử dụng, công năng với mức giá ưu đãi kèm nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Nhờ vậy, người tiêu dùng ở hải đảo, vùng sâu, vùng xa có thông tin để so sánh, đánh giá về mẫu mã, giá cả và chất lượng hàng Việt so với hàng ngoại nhập đang được bày bán trên địa bàn. Từ đó, doanh nghiệp có thể nghiên cứu, tìm ra những sản phẩm mới thích hợp, đáp ứng nhu cầu riêng của từng vùng, miền.

Đưa hàng Việt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 7

Lãnh đạo tham quan các gian hàng.

Đây còn là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối sau khi kết thúc Phiên chợ, Sở Công thương hỗ trợ và liên kết cho các doanh nghiệp tìm được đại lý phân phối tại huyện.

Ngoài bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, các doanh nghiệp còn thực hiện các hoạt động khuyến mãi, giảm giá từ 10-30% để người tiêu dùng, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số có thêm cơ hội mua sắm, tiêu dùng, so sánh sản phẩm, giá thành chất lượng của hàng hóa Việt Nam.

Đặc biệt, Phiên chợ còn tổ chức hoạt động tặng quà cho học sinh nghèo học giỏi và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở huyện.