Người dân được lựa chọn cây, con giống phù hợp thực tiễn

Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cơ hội để tạo sinh kế, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, tỉnh Thái Nguyên và các địa phương đã chỉ đạo chính quyền cơ sở không được áp đặt, mà để người dân được lựa chọn cây, con giống phù hợp với tình hình thực tế; qua đó, phát huy hiệu quả nguồn lực được hỗ trợ.
0:00 / 0:00
0:00
Bò sinh sản hỗ trợ được gia đình anh Hoàng Văn Tiến ở xóm Vân Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) chăm sóc, phát triển tốt.
Bò sinh sản hỗ trợ được gia đình anh Hoàng Văn Tiến ở xóm Vân Lăng, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) chăm sóc, phát triển tốt.

VĂN LĂNG là xã khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ. Xã ở xa trung tâm, địa hình chia cắt, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70% dân số, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 30%. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoàng Xuân Trường chia sẻ: “Số hộ nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở các xóm vùng cao, vùng xa, thiếu kiến thức phát triển kinh tế, thiếu vốn. Do đó, chúng tôi xác định việc hỗ trợ cây, con giống từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cơ hội để tạo sinh kế, trang bị kiến thức giúp bà con vươn lên”.

Để phát huy hiệu quả sự hỗ trợ, Ủy ban nhân dân xã Văn Lăng chỉ đạo các xóm phổ biến nội dung, hình thức hỗ trợ để người dân tự quyết định, lựa chọn cây, con giống phù hợp với thực tiễn sản xuất của gia đình, địa phương mình. Trong hai năm 2022 và 2023, toàn xã có hơn 70 hộ có đơn đăng ký được hỗ trợ bò sinh sản. Các xóm thành lập ba tổ hợp tác chăn nuôi và Ủy ban nhân dân xã xác nhận các tổ hợp tác này. Việc người dân lựa chọn hỗ trợ bò sinh sản là phù hợp thực tế vì người dân có kinh nghiệm, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, có đất để trồng cỏ làm thức ăn cho bò và có nhân lực để chăn nuôi.

Cán bộ khuyến nông xã Văn Lăng Vũ Đại Lâm cho biết: “Triển khai hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản, chúng tôi hướng dẫn các tổ hợp tác xây dựng dự án; tiến hành tập huấn, hướng dẫn việc làm chuồng trại, trồng cỏ, phòng chống dịch bệnh, phát hiện bò động dục, phối giống”.

Trước khi nhận bò, người dân được đi tham quan, tự chọn con bò giống mà mình ưng ý nhất tại đơn vị cung ứng giống là Hợp tác xã Lúa Mùa Vàng ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Với cách làm bài bản, do người dân tự quyết nên việc hỗ trợ bò phát huy hiệu quả, số bò hỗ trợ cho người dân sinh trưởng phát triển tốt. Là hộ cận nghèo người H’Mông ở xóm Vân Lăng được hỗ trợ một con bò sinh sản, gia đình anh Hoàng Văn Tiến chăm sóc bò cẩn thận, cho ăn uống đầy đủ; những ngày nắng nóng còn phun nước làm mát. Anh Tiến hy vọng con bò sẽ góp phần “xóa cái nghèo đi”.

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất nông-lâm nghiệp vẫn là chủ yếu, Đồng Hỷ là một trong những huyện khó khăn ở tỉnh Thái Nguyên. Lãnh đạo huyện xác định, thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với những nội dung đầu tư bao trùm, trong đó có việc hỗ trợ cây, con giống là cơ hội rất tốt để tạo sinh kế lâu dài giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Hỷ Vũ Quang Dũng cho biết: “Để việc hỗ trợ người dân phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, chúng tôi yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, các xã phải nắm thật vững các quy định của pháp luật; nắm bắt tâm tư, tôn trọng nguyện vọng, sự lựa chọn hình thức, nội dung được hỗ trợ của người dân, tuyệt đối không được áp đặt khi thực hiện các chương trình hỗ trợ để tránh thất thoát, lãng phí, không hiệu quả”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, các ngành, với chức năng của mình, phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao để đạt hiệu quả cao nhất; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện sơ xuất, sai phạm để uốn nắn, xử lý trách nhiệm, nhằm triển khai chương trình đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.