Đưa di sản phố cổ thành động lực phát triển

(Tiếp theo kỳ trước)(★)

Việc bảo tồn phố cổ gặp nhiều khó khăn, từ việc gìn giữ các di tích, các ngôi nhà có giá trị cho đến công tác giãn dân. Năm 2021, thành phố đã thông qua sáu đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử, trong đó, có Quy hoạch phân khu phố cổ (H1-1A).

0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch phân khu phố cổ là cơ sở để bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị phố cổ Hà Nội.
Quy hoạch phân khu phố cổ là cơ sở để bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị phố cổ Hà Nội.

Quy hoạch đề ra tầm nhìn xuyên suốt trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc, đặc biệt là vấn đề giãn dân khỏi phố cổ, giảm áp lực dân cư. Điều này mở ra kỳ vọng mới cho bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ.

Sau nhiều năm chờ đợi, Quy hoạch phân khu phố cổ (H1-1A) đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và đang từng bước được triển khai.

Cơ sở cho việc bảo tồn, phát huy giá trị

Tháng 3/2021, UBND thành phố Hà Nội công bố sáu đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử, trong đó có Quy hoạch phân khu phố cổ (H1-1A) thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhằm bảo tồn và phát triển đô thị khu phố cổ bền vững, gìn giữ những giá trị di sản; đầu tư hạ tầng nâng cao điều kiện sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch...

Các công trình trong khu bảo tồn cấp I, các công trình có giá trị trên trục trung tâm Hàng Ðào-Hàng Ngang-Hàng Ðường-Ðồng Xuân với các ô phố tiệm cận được bảo tồn, cải tạo nguyên trạng hoặc phục dựng nguyên gốc, phong cách truyền thống.Các công trình khác được phục dựng theo kiến trúc đặc trưng của phố cổ.

Các tuyến phố được phân loại theo tính chất, gồm: phố nghề truyền thống, phố chuyên doanh, phố đi bộ... được kiểm soát kiến trúc mặt đứng. Quy hoạch đưa ra quy mô dân số đến năm 2030 và tối đa đến năm 2050 là khoảng 45 nghìn người. Để đạt được quy mô này, thành phố sẽ phải di dời khoảng 20 nghìn cư dân khỏi phố cổ.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản phố cổ còn nhiều thách thức, nhưng hiện nay đã có một số thuận lợi, đó là hành lang pháp lý được hoàn thiện, nhận thức của người dân đã tăng lên. Trong năm 2021, quận Hoàn Kiếm đã đánh giá lại các dự án đang triển khai, kiểm đếm những công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật; đồng thời, dành nguồn lực giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố.

Đến nay, quận đã hoàn thành hạ ngầm toàn bộ hệ thống đường dây trên 76 tuyến phố. Hiện, quận khuyến khích phục dựng các công trình theo kiến trúc đặc trưng của phố cổ; xây dựng hình ảnh tuyến phố đi bộ với các cửa hàng buôn bán sản phẩm truyền thống, phục vụ du lịch; tăng mật độ cây xanh bằng “vườn thẳng đứng”... Quận cũng đang tu bổ một số di tích như đình Cổ Vũ, đình Hà Vỹ và sẽ lần lượt khánh thành từ nay đến tháng 3/2023.

Đối với Đề án giãn dân phố cổ, UBND quận đã rà soát xong toàn bộ đề án, gồm hai dự án thành phần là Dự án đầu đi (giải phóng mặt bằng các hộ dân) và Dự án đầu đến (xây dựng cơ sở hạ tầng và khu nhà ở phục vụ giãn dân). Trong đó, cơ bản đã hoàn thành danh sách các hộ gia đình thuộc diện di dời bắt buộc và di dời tự nguyện. UBND quận đang xin ý kiến các sở, ngành để báo cáo UBND thành phố nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới.

Lấy cuộc sống người dân làm trung tâm

Quy hoạch phân khu phố cổ (H1-1A) sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân phố cổ thông qua hàng loạt dự án cải tạo hạ tầng được tiến hành đồng thời với công tác bảo tồn. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhất là việc di dân khỏi phố cổ. Dù đối tượng di dời khỏi phố cổ trong diện bắt buộc và tự nguyện là khác nhau, nhưng cả hai đối tượng đều băn khoăn khi nói về việc di dời.

Các chuyên gia nghiên cứu, nhà quy hoạch đều cho rằng, phải tìm căn nguyên của việc người dân không muốn dời khỏi phố cổ. Trên thực tế, vấn đề người dân quan tâm nhất chính là việc làm, tiếp đến là những điều kiện hạ tầng, văn hóa-xã hội tại địa điểm di dời đến.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết: “Chúng ta mới chỉ chú trọng việc tạo nhà ở cho người dân, mà chưa chú ý đến việc họ sẽ làm gì để có thu nhập khi tới nơi ở mới. Chính sách ưu đãi những người di dời ra khỏi khu phố cổ còn thiếu tầm nhìn tổng thể. Thí dụ thay bằng việc dồn tất cả họ về một khu đã được định dạng trước, nên có chính sách ưu đãi, đền bù một cách linh hoạt, thỏa đáng bằng hình thức thỏa thuận.

Ngoài ra, hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ, trung tâm thương mại, không gian xanh công cộng cũng cần được xây dựng đồng bộ”. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng: “Việc di dời đến một khu chung cư được xây sẵn nên áp dụng đối với những gia đình thuộc diện bắt buộc phải giãn dân. Còn đối với những hộ thuộc diện giãn dân tự nguyện, cần bổ sung thêm những giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế của họ, phù hợp với quy luật vận động của thị trường. Chính quyền nên có thêm những cuộc đối thoại với nhân dân”.

Một số chuyên gia kiến nghị chính quyền quận Hoàn Kiếm cần hỗ trợ để cộng đồng dân cư thành lập Ban đại diện nhân dân làm cầu nối giải quyết một cách hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị phố cổ với việc đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.Quận Hoàn Kiếm hiện đang nghiên cứu phương án bảo đảm việc làm cho khoảng 40% số dân khu phố cổ đang kiếm sống từ việc buôn bán nhỏ như: Tạo điều kiện cho các hộ tiếp tục được kinh doanh tại các ki-ốt, chợ dân sinh ở khu giãn dân; nghiên cứu phương án cho các hộ dân có nguyện vọng kinh doanh tại các không gian đi bộ dịp cuối tuần...

Đối với vấn đề văn hóa, xã hội, tại khu phố cổ, nếp sống, các thói quen sinh hoạt của người dân có đặc trưng riêng. Bởi vậy, giá trị tâm linh và văn hóa truyền thống cũng là những yếu tố “níu chân” nhiều người dân. TS Tô Thị Toàn - nguyên Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho rằng, để thuyết phục người dân di dời khỏi khu phố cổ, thành phố phải tạo dựng nơi đến có đặc trưng tương tự như phố cổ hiện tại, đồng thời phải có môi trường sống chất lượng cao, duy trì được nếp sống văn hóa lâu đời của khu phố cổ Hà Nội.

Quy hoạch H1-1A đề ra một hành lang pháp lý. Nhưng nếu không có sự nỗ lực của hệ thống chính trị, sự hợp tác của người dân, thì nguy cơ “vỡ quy hoạch” vẫn có thể xảy ra.

(Còn nữa)

(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ các số ra ngày 19, 22, 26/7/2022.